Cách chăm sóc giúp trẻ mắc tay chân miệng nhanh khỏi

Minh Thư, Quang Trung, icon
07:16 ngày 06/09/2017

VTV.vn - Dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng nhưng nếu được chữa trị các triệu chứng kịp thời và có chế độ chăm sóc tốt, trẻ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh.

Thời điểm giao mùa, mưa nắng thất thường như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh tay chân miệng ở trẻ em bùng phát. Đã có hơn 50.000 trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có có hơn 23.000 trường hợp nhập viện.

Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em:

Dấu hiệu thường thấy là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi, đau họng, ho, đau bụng, nổi ban đỏ trên da… Cha mẹ lưu ý việc điều trị tại nhà chỉ áp dụng với trẻ bị bệnh ở cấp độ 1 với dấu hiệu bị loét miệng hoặc sang thương ở da.

Biện pháp điều trị:

- Khi trẻ bị sốt từ 38oC trở lên thì phải hạ sốt, giảm đau.

- Vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối pha loãng.

- Sử dụng thêm các vitamin C, vitamin PP, vitamin A và kẽm theo toa bác sĩ để hỗ trợ cho da, niêm mạc mau lành.

- Dùng kháng sinh theo toa bác sĩ khi xuất hiện tình trạng nhiễm trùng mới.

Khi có một trong các triệu chứng sau: sốt cao trên 39oC, giật mình liên tục, run chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, co giật thì người nhà cần đưa trẻ vào bệnh viện ngay.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị tay chân miệng:

- Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn nên cần chọn thực phẩm mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu. Ví dụ như bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, phô mai, bánh Flan…

- Tuyệt đối tránh ăn thực phẩm cay nóng vì sẽ làm tăng tình trạng viêm loét.

Tạo môi trường an toàn cho trẻ tay chân miệng:

- Khuyến khích trẻ thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.

- Quần áo và vật dụng của trẻ bị bệnh tay chân miệng phải dùng riêng biệt và luộc sôi trước khi sử dụng.

- Tuyệt đối không được kiêng tắm, kiêng gió; không được ủ trẻ quá kỹ, không được châm chích cho mụn nước mau vỡ ra vì điều này sẽ khiến tình trạng bội nhiễm vi khuẩn mạnh hơn, nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

- Trẻ xác định đã mắc bệnh tay chân miệng phải được nghỉ học từ 7 - 10 ngày để ngăn chặn sự lây lan.

- Nếu gia đình có nhiều trẻ cùng chung sống, nên cách ly tuyệt đối giữa trẻ lành và trẻ bệnh.

Dấu hiệu điển hình trẻ mắc tay chân miệng Dấu hiệu điển hình trẻ mắc tay chân miệng

VTV.vn - Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, đau miệng, loét miệng với vết loét đỏ, phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, lòng bàn tay, bàn chân, quanh khớp gối, mông.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục