Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em

Báo điện tử Hải Phòng, icon
04:02 ngày 12/08/2016

VTV.vn - Những năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) và thiếu vi chất ở trẻ em Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ, song SDD thấp còi vẫn chiếm 1/3 số trẻ em Việt Nam.


Chị Nguyễn Thị Mão, ở xã Quang Hưng, huyện An Lão không vui khi nói về đứa con gái thứ hai của mình. Bé Đào Thị Thúy Nhã đến nay 15 tháng nhưng nặng gần 8kg, cháu mới mọc 2 răng và rất biếng ăn. Mỗi lần cháu ăn là "cuộc chiến" vô cùng căng thẳng và mệt mỏi của gia đình. Nhiều tháng nay, chị tìm mọi cách, từ nấu những món mới, dùng thuốc cho trẻ biếng ăn chậm lớn nhưng kết quả không hơn là bao nhiêu. Cuối cùng, chị cho con đến Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản để khám và tư vấn dinh dưỡng. Bác sĩ kết luận, cháu bị thiếu máu, còi xương, thiếu một số vi chất dinh dưỡng. Chị Thanh là 1 trong số rất nhiều bà mẹ có con trong tình trạng biếng ăn, chậm lớn. Điều đáng nói, thấy con biếng ăn, có những dấu hiệu suy dinh dưỡng, thay vì cho con đến các cơ sở y tế có chức năng về khám dinh dưỡng thì một số bà mẹ lại áp dụng những cách làm theo kiểu truyền tai nhau hoặc học theo những cách trên mạng internet mặc dù không biết đúng hay sai, có phù hợp với con mình hay không?

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Hải Phòng: nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em hiện nay là do cha mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng. Trong bối cảnh có quá nhiều cơ hội tiếp nhận thông tin như hiện nay thì các ông bố, bà mẹ dường như bị nhiễu thông tin, không biết nên theo nguồn thông tin nào. Những sai lầm trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày dẫn tới việc thiếu những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho phát triển thể chất của trẻ. Dù nhiều bậc phụ huynh thấy được tầm quan trọng của canxi và khoáng chất đối với chiều cao và thể chất, nhưng chế độ bổ sung lại quá thừa hoặc không đúng cách, khiến cho canxi thay vì đi vào xương thì lại dư thừa trong ruột gây táo bón, sỏi thận hoặc dư thừa trong máu gây xơ cứng mạch máu, mô mềm, còn trong xương vẫn thiếu.

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai, Phó giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hải Phòng cho biết: nhiều trường hợp đến trung tâm khám thì con ở tình trạng suy dinh dưỡng nặng, còi cọc, quấy khóc. Vì vậy, nếu như mẹ nghi ngờ con mình bị suy dinh dưỡng hoặc có những dấu hiệu như: không lên cân hoặc giảm cân, teo mỡ ở cánh tay, thịt nhẽo, teo nhỏ, mất lớp mỡ dưới da bụng, da xanh, tóc thưa rụng dễ gãy, đổi màu nên đưa con đi khám dinh dưỡng càng sớm càng tốt để có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ. Cách tốt nhất để phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ đó là điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Đối với các bà mẹ mang thai cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, kịp thời trước trong và sau sinh. Cho trẻ bú sớm trong nửa giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến 24 tháng. Hãy để trẻ thoải mái ăn theo nhu cầu và không nên kéo dài bữa ăn quá lâu (trên 30 phút) và không gây tâm lý ức chế trong bữa ăn của trẻ. Nếu bé không ăn được nhiều, nên chia thành nhiều bữa cho bé. Hạn chế cho trẻ ăn đồ ăn vặt giúp trẻ có cảm giác đói, khi đến bữa ăn trẻ sẽ cảm thấy ngon miệng hơn. Ngoài ra, việc khuyến khích trẻ vận động phù hợp với lứa tuổi, tắm nắng đúng cách và không thức khuya, ngủ đủ, ngủ sâu giấc rất cần thiết để trẻ có sức khỏe, tình trạng dinh dưỡng tốt.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục