Cần chủ động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất Methadone trong nước

Việt Hà, icon
06:00 ngày 01/12/2013

Trước dự kiến cắt giảm chương trình viện trợ thuốc Methadone cho bệnh nhân điều trị cai nghiện ma túy vào năm 2015, ông Phạm Đức Mạnh - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế cho biết các cơ sở y tế cần chủ động nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất Methadone trong nước.

Liệu pháp điều trị nghiện ma túy bằng thuốc thay thế - Methadone - đang được coi là giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy, góp phần đổi mới công tác cai nghiện tại Việt Nam. Sau 5 năm được đưa vào Việt Nam, hiện có gần 15.000 người tại 29 tỉnh thành đang điều trị bằng Methadone. Tuy nhiên, toàn bộ nguồn thuốc này đều được viện trợ từ nước ngoài.

Theo dự kiến đến năm 2015, chương trình tài trợ này sẽ kết thúc. Nghĩa là chỉ còn 1 năm để Việt Nam chuẩn bị nguồn thuốc Methadone thay cho nguồn viện trợ hiện nay. Mới đây, Bộ Y tế vừa cho phép 5 doanh nghiệp dược được phép điều chế Methadone, trong đó có 1 doanh nghiệp đã được cấp phép thuốc đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Nói về thực tế này, ông Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết: “Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế cùng các Bộ ngành khác tuyển chọn đợt 1 cho 5 doanh nghiệp đủ điều kiện sản xuất thuốc. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để chúng ta có thể đảm bảo nguồn thuốc methdone cho bệnh nhân. Chính vì vậy, trong thời gian tới, các cơ sở, doanh nghiệp cần có kế hoạch nhập nguyên liệu trước khi cắt giảm viện trở để đảm bảo đủ nguồn thuốc cho nước ta”.

Ông Phạm Đức Mạnh cũng khẳng định giá thành thuốc Methadone sản xuất trong nước chắc chắn rẻ hơn nhập khẩu nên người bệnh hoàn toàn có khả năng chi trả. Dự kiến đến năm 2015, thuốc nội địa sẽ được đưa vào sử dụng.

‘ Cơ sở điều trị Methadone tại Lê Chân - Hải Phòng

Trong 75 cơ sở điều trị Methadone trên toàn quốc, hiện mới chỉ có 2 cơ sở xã hội hóa tại Hải Phòng và Lào Cai. Tại 2 cơ sở này, bệnh nhân chi trả từ 8.000 - 10.000 đồng/người/ngày. Theo các chuyên gia, để đảm bảo hoạt động của các cơ sở điều trị khi nguồn viện trợ kết thúc, Việt Nam cần nhanh chóng xã hội hóa các cơ sở này, huy động nguồn tài chính từ nhân dân.

TS Hoàng Văn Kể, Tổ chuyên gia Ủy ban Phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm khẳng định: “Chúng tôi đã đề xuất với chính phủ về việc cần chuyển mô hình cấp thuốc miễn phí sang thu phí một phần từ bệnh nhân và gia đình của họ. Với mức đóng góp từ 10.000 - 20.000 đồng/người/ngày là điều hoàn toàn có thể làm được”.

Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2015, sẽ có 80.000 người được điều trị bằng Methadone. Mục tiêu này khó có thể đạt được nếu không chuyển đổi mạnh mẽ mô hình các cơ sở điều trị cũ, thành lập các cơ sở điều trị mới. Theo đó, các ngành liên quan như y tế, công an, lao động - thương binh & xã hội cũng cần phối hợp để quản lý chặt chẽ nguồn thuốc Methadone khi mở rộng chương trình, vì dù sao, Methadone vẫn là chất gây nghiện.

Vậy sau năm 2015, hàng chục nghìn bệnh nhân liệu có đủ thuốc Methadone để sử dụng và các cơ sở điều trị Methadone hiện nay có được duy trì bền vững? Phóng sự sau sẽ cho thấy Việt Nam đang chuẩn bị như thế nào để ứng phó với thực tế này:

Cùng chuyên mục