Cần chú ý phòng bệnh cho trẻ vào mùa nồm

Minh Đức, icon
06:00 ngày 27/03/2017

VTV.vn - Phụ huynh cần chú ý phòng bệnh cho trẻ mùa nồm do không khí thường ẩm ướt, tạo điều kiện cho các loại virus gây bệnh về đường hô hấp và đường tiêu hóa phát triển.

Hiện miền Bắc đang trong khoảng thời gian Đông - Xuân nên trẻ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, viêm phế quản, viêm phổi.... Đối với những trẻ có cơ địa dị ứng, bị hen phế quản thì rất dễ lên cơn hen do thời tiết ẩm ướt tạo nên nấm mốc trong môi trường sống như phòng kín, nhà ở. Theo Cục Y tế Dự Phòng (Bộ Y tế), vào mùa nồm, sốt virus cũng thường có dấu hiệu bùng phát mạnh nên mọi người cần có biện pháp đề phòng.

Ngoài các bệnh liên quan đến đường hô hấp, thời tiết nồm ẩm cũng dễ gây nên những bệnh lý về đường tiêu hóa như bệnh tiêu chảy do vi khuẩn, nấm phát triển mạnh trong đồ ăn, thức uống. Ngoài ra, những bệnh như virus rota, bệnh sởi, thủy đậu, viêm da cũng là những loại bệnh dễ lây lan và xuất hiện nhiều vào thời điểm này.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo, việc chủ động giữ ấm cho trẻ để phòng bệnh là điều các gia đình cần quan tâm. Theo đó, khi đưa trẻ đi ra ngoài trời, đưa trẻ đi tiêm chủng phải cho trẻ mặc quần áo đủ ấm, đi tất, đeo khẩu trang, đội mũ, quàng khăn ấm, tránh để trẻ nhiễm lạnh dẫn đến bị ốm, mắc các bệnh như cảm, cúm, viêm phế quản, viêm phổi... Nên có người lớn bế, tránh gió và ủ ấm cho trẻ, nhưng lưu ý không nên bọc trẻ quá kín làm cho trẻ toát mồ hôi, sẽ dễ gây cảm lạnh và bị bệnh.

Cần chú ý phòng bệnh cho trẻ vào mùa nồm - Ảnh 1.

Trời nồm, không khí ẩm ướt dễ gây các bệnh về đường hô hấp cho trẻ

Không cho trẻ tiếp xúc với những trẻ hoặc người lớn đang có dấu hiệu bị các bệnh cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu;…hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người.

Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Thùy Dung - bệnh viện Nhiệt đới TƯ, các bậc phụ huynh cũng cần cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Cho trẻ uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Khi trẻ có các dấu hiệu ho, sốt… cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Điều quan trọng tiếp theo là cần phải giữ gìn vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là trong nhà, phòng ngủ, bếp ăn. Nhiều trường hợp mắc bệnh từng được xác định là do môi trường sống bị ẩm, mốc. Vi khuẩn tồn tại trong những vật dụng quen thuộc như chăn gối, thảm, rèm cửa... đặc biệt là trong những bộ quần áo giặt không khô do không khí ẩm rất dễ có nấm mốc. Vậy nên mỗi gia đình cần tích cực dọn dẹp nhà cửa, để không khí trong nhà luôn thông thoáng, mặc quần áo đã khô hẳn, tránh để các vật dụng mọc nấm mốc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục