Cấp cứu cho bệnh nhân bị bỏng xăng nguy kịch tính mạng

Lê Thạch, icon
11:35 ngày 24/05/2018

VTV.vn - Khoa Cấp Cứu và Chống độc - Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), vừa hồi sức chống sốc, cấp cứu cho một bệnh nhân bị bỏng nặng do xăng, nguy kịch tính mạng.

Bệnh nhân T. bỏng nặng do xăng.

Theo người nhà bệnh nhân, do anh Đỗ Thanh T. (sinh năm 1983, trú tại Yên Bình, Yên Bái) bất cẩn khi sử dụng xăng tại nhà, để lửa lan vào, làm anh T. bị bỏng nặng tứ chi, vùng lưng, mông. Những người xung quanh đã nhanh chóng cách ly anh khỏi đám lửa, dội nước nguội vào vết bỏng, và nhanh chóng đưa anh T. đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương.

Cấp cứu cho bệnh nhân bị bỏng xăng nguy kịch tính mạng - Ảnh 1.

Các bác sĩ sơ cấp cứu cho bệnh nhân

Tại đây, các bác sĩ đã tập trung hồi sức, cấp cứu, tạo đường truyền bù dịch, giảm đau, chống sốc qua đặt catheter, thở oxy. Bệnh nhân có tổn thương nhiều độ phối hợp tứ chi, nhiều vết trợt da xen kẽ tổn thương đỏ rộp kèm theo bùn đất. Đau rát nhiều, bệnh nhân đang có hiện tượng sốc, run nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán bỏng độ II, diện tích thương tổn 70% cơ thể.

Cấp cứu cho bệnh nhân bị bỏng xăng nguy kịch tính mạng - Ảnh 2.

Bệnh nhân bị bỏng nặng ở tứ chi

Cấp cứu cho bệnh nhân bị bỏng xăng nguy kịch tính mạng - Ảnh 3.

Sau cấp cứu ban đầu, các bác sĩ đã giải thích tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cho người nhà, tối cùng ngày, bệnh nhân đã được chuyển đến Viện Bỏng Quốc Gia tiếp tục cấp cứu và điều trị. Trên đường đi, ekip đã liên hệ với trực cấp cứu của Viện Bỏng Quốc gia để chuẩn bị sẵn sàng đón bệnh nhân khi đến nơi.

Bỏng xăng nguy hiểm như thế nào?

Sơ cứu không đúng cách, tự ý chữa trị tại nhà hay áp dụng các phương pháp dân gian có thể khiến vết thương do bỏng xăng của nạn nhân nhiễm trùng, suy đa tạng.

Những ca bỏng xăng sẽ có khả năng cứu chữa hiệu quả nếu việc sơ cứu được thực hiện đúng và kịp thời. Dưới đây là các bước cần làm để sơ cứu nạn nhân:

- Loại trừ nguyên nhân gây bỏng. Tuy nhiên, khi dập tắt ngọn lửa từ xăng nên lưu ý, không dùng nước. Điều này khiến người bị nạn bỏng nặng hơn, vì xăng nổi lên trên nước sẽ tiếp tục bốc lửa, lan rộng. Bạn nên dùng chăn, ga trùm lên nạn nhân nhanh chóng.

- Ngay sau khi dập lửa, chúng ta cần giảm nhiệt tại chỗ bị bỏng cho nạn nhân. Người ứng cứu nên dội nước sạch từ 30-60 phút liên tục, phương pháp này giúp nạn nhân không bỏng sâu hơn.

- Giữ cho vết bỏng sạch, tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kì loại thuốc nào, không làm vỡ chỗ phỏng nước. Các phần quần áo, da dính vào vết bỏng không nên tự ý bóc ra.

- Dùng gạc vô khuẩn hoặc vải sạch phủ lên vết bỏng, nhanh chóng đưa nạn nhân đến viện điều trị, không tự điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến cáo, bệnh nhân bỏng không nên điều trị bằng các thuốc y học dân tộc, kinh nghiệm dân gian chưa có cơ sở khoa học như bôi kem đánh răng, nước mắm, hay dùng lòng trắng trứng gà. Những cách chữa trị này có thể gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, biến chứng khôn lường.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục