Cấy điện cực ốc tai thành công điều trị điếc bẩm sinh cho trẻ 7 tuổi

Tuấn Bảo, icon
11:28 ngày 26/05/2018

VTV.vn - Bệnh viện đa khoa Xuyên Á (TP.HCM) vừa thực hiện thành công ca cấy điện cực ốc tai bên tai phải, điều trị điếc bẩm sinh.

Các bác sĩ tiến hành ca phẫu thuật cấy điện cực ốc tai cho bệnh nhi.

Ca cấy điện cực ốc tai được thực hiện trên bệnh nhi N. (7 tuổi, trú tại Thống Nhất, Đồng Nai), bị điếc bẩm sinh. Từ lúc 2 tuổi, bé đã được đeo máy trợ thính với công suất phù hợp. Tuy nhiên, trình độ phát triển ngôn ngữ của bé đến nay rất kém. Sự giao tiếp giữa bé và thế giới bên ngoài gặp rất nhiều trở ngại. Bé không nghe được các phụ âm, với nhiều từ phải đoán qua cử động môi và chỉ giao tiếp được với người thân.

Mặc dù đã 7 tuổi, nhưng sự phát triển ngôn ngữ giao tiếp của bé N. chỉ dừng lại tương đương với một bé 2 tuổi bình thường. Qua hơn 7 năm sống trong bóng tối bệnh tật, gia đình em đã tìm cố gắng tìm mọi cách để em có thể nghe được. Người nhà đã đưa em đến Bệnh viện đa khoa Xuyên Á để điều trị.

Sau khi khám lâm sàng và lựa chọn phương pháp phù hợp, các bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng đã tư vấn thực hiện cấy điện cực ốc tai cho bé. Đây là phương pháp phẫu thuật hiện đại, đưa toàn bộ các chuỗi điện cực vào trong ốc tai với mức độ an toàn vô trùng tuyệt đối. Với chiếc điện cực ốc tai này bệnh nhân nghe được âm thanh từ mọi dải tần số khác nhau. Sau đó, qua quá trình tập luyện, họ sẽ nghe, nói gần như người bình thường.

Cấy điện cực ốc tai thành công điều trị điếc bẩm sinh cho trẻ 7 tuổi - Ảnh 1.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chụp Xquang Stenver để xác định điện cực đã được đặt đúng vị trí

Ngày 24/5, bé N., bước vào ca phẫu thuật kéo dài trong 2 giờ. Sau khi đặt điện cực ốc tai, các chỉ số kiểm tra hoạt động của tất cả các điện cực bằng cách đo trở kháng và trường và đo đáp ứng thần kinh hạch xoắn ốc tai đều rất tốt. Ca phẫu thuật thành công đã mở ra một bước ngoặc mới trong cuộc đời của bệnh nhi. Sau 1 tháng, bệnh nhi có thể bắt đầu quá trình huấn luyện ngôn ngữ và tập nói để hòa nhập với cuộc sống.

Căn bệnh điếc bẩm sinh khiến hàng trăm nghìn trẻ em Việt Nam không thể nghe, nói và phải sống một cuộc đời lặng lẽ. Theo thống kê, cứ 1.000 trẻ thì có từ 3 – 5 trẻ bị điếc bẩm sinh. Những trẻ bị điếc nặng không thể học nói được, không thể phát triển ngôn ngữ và còn bị nhiều hệ lụy về tâm lý khác như: tự kỷ, thường bồn chồn, lo lắng hoặc cáu kỉnh, lãnh đạm, tính khí thất thường… Trẻ thường khổ sở do không thể giao tiếp với bên ngoài.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục