Chung sống với căn bệnh ung thư đã di căn bằng cách nào?

P.V (Tổng hợp), icon
09:49 ngày 08/05/2018

VTV.vn - Ung thư di căn là khi các tế bào ung thư lan rộng từ nơi nó xuất hiện đầu tiên sang các bộ phận khác của cơ thể.

Hình minh họa (Ảnh: Bodyandhelthy)

Trước đây, đa phần người bệnh không sống được lâu dài khi bị ung thư di căn. Ngày nay, với trình độ khoa học được nâng lên, các phương pháp điều trị tốt hơn cũng khó có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh nhân ung thư di căn. Dù vậy, các bác sĩ vẫn điều trị cho bạn với mong muốn chất lượng cuộc sống của bạn tốt hơn, được kéo dài thêm nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nữa.

Một ung thư có thể di căn nhiều vị trí, ví dụ: ung thư phổi di căn não, xương, gan, thượng thận...ung thư vú di căn xương, não, phổi...

Khi bị di căn, phác đồ điều trị sẽ tùy theo từng loại ung thư, các phương pháp điều trị sẵn có, theo mong muốn của bạn. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào tuổi, tình trạng sức khỏe toàn thân của bạn, hay như các phương pháp mà bạn đã được điều trị trước đó cũng ảnh hưởng tới lựa chọn điều trị...Có nhiều phương pháp điều trị cho bạn bao gồm: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị hormon, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp sinh học, miễn dịch, ...

Theo các bác sĩ Khoa Xạ Trị - Xạ Phẫu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đối với nhiều bệnh nhân khi được chẩn đoán ung thư, mục tiêu điều trị là cố gắng điều trị triệt căn. Điều này có nghĩa là loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư và không cho chúng tái phát trở lại. Tuy nhiên, khi bệnh đã ở giai đoạn di căn xa thì mục tiêu triệt căn có thể không khả thi nữa và bạn cần trao đổi với bác sĩ của mình về tiến trình điều trị tiếp theo.

Vậy nếu mục tiêu không thể triệt căn được nữa thì sao? Lúc này, mục tiêu điều trị là làm thế nào để bạn sống cuộc sống với chất lượng tốt nhất và kéo dài càng lâu càng tốt. Cụ thể hơn, mục tiêu có thể được chia thành bốn phần:

- Có ít triệu chứng nhất gây ra từ bệnh ung thư.

- Có ít tác dụng phụ nhất từ việc điều trị ung thư.

- Làm cho bệnh nhân có chất lượng cuộc sống tốt nhất.

- Giúp bệnh nhân kéo dài thời gian sống thêm lâu nhất có thể.

Mỗi bệnh nhân khác nhau có thể có mong muốn điều trị khác nhau. Quyết định điều trị nằm ở chính bạn, do đó hãy trao đổi và chia sẻ với bác sĩ của bạn những gì mà bạn cho là quan trọng và đưa ra mục tiêu của mình.

Khi ung thư đã di căn xa, bạn cần hiểu rằng tình trạng của bạn giống như 1 bệnh mạn tính, ví dụ như: tiểu đường, suy tim sung huyết, bệnh đa xơ cứng...Các bác sĩ có thể điều trị các triệu chứng nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn được.

Các bác sĩ có thể giúp bạn giải quyết các triệu chứng ung thư và các tác dụng phụ của điều trị. Khi bạn đau, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau cho bạn, xạ trị giảm đau hay thậm chí là phẫu thuật cắt bỏ khối u gây đau...Bạn cũng có thể được điều trị các tình trạng khác như buồn nôn, nôn, khó thở, nâng đỡ thể trạng...

Những thách thức trong cuộc sống của bạn khi ung thư đã di căn xa

Sống chung với ung thư di căn là một thách thức với nhiều khó khăn, nó khác nhau tùy vào mỗi người bệnh, bao gồm:

- Cảm thấy khó chịu khi ung thư trở lại - Bạn có thể cảm thấy thất vọng, tức giận, buồn chán, hoặc cảm giác như không ai hiểu được những gì bạn đang trải qua, thậm chí là người thân của bạn.

- Sự lo lắng rằng việc điều trị sẽ không hiệu quả, và bệnh ung thư của bạn ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

- Bạn phải đối mặt với các xét nghiệm kiểm tra và các quyết định điều trị.

- Chia sẻ về tình trạng bệnh của bạn với gia đình và bạn bè.

- Khi bạn cảm thấy kiệt sức hoặc gặp phải các tác dụng phụ từ điều trị, bạn cần có sự giúp đỡ, ngay cả những hoạt động thường ngày.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt tinh thần và cảm xúc.

- Chi phí điều trị nhiều hơn – Ngay cả khi bạn có bảo hiểm y tế.

Giải quyết những thay đổi về cảm xúc lối sống

Khi đón nhận thông tin ung thư đã di căn, tâm trạng và thói quen sinh hoạt của bạn cũng thay đổi. Do đó, để đương đầu với nó bạn cần:

- Tìm hiểu thêm về bệnh ung thư di căn: bạn có thể tìm những thông tin cơ bản, hữu ích về chăm sóc, điều trị, chế độ dinh dưỡng...

- Nói chuyện, chia sẻ tình trạng bệnh của bạn với một chuyên gia tâm lý, một nhân viên hoạt động xã hội về ung thư hay đơn giản chia sẻ với chính nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho bạn.

- Giải quyết căng thẳng: có nhiều cách để giúp giảm bớt căng thẳng như: tập thiền, tập yoga, thể thao...

Chia sẻ về những lo lắng và các mối quan tâm của bạn là rất quan trọng, ngay cả khi việc điều trị đang tiến triển tốt đẹp. Mọi người đều có thể sống lâu dài nhiều năm với bệnh ung thư di căn. Bác sĩ của bạn sẽ giúp bạn có chất lượng cuộc sống tốt nhất có thể trong suốt thời gian này.

Các thành viên trong gia đình của bạn cũng cần được giúp đỡ

Trong gia đình bạn, những người chăm sóc cho bạn cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Họ cũng cần sự trợ giúp để vượt qua được những thử thách khó khăn đó. Họ có thể thử áp dụng các cách của bạn ở trên hoặc nhờ sự tư vấn của đội ngũ nhân viên y tế.

khi bệnh ung thư của bạn đã di căn xa, bạn cần bình tĩnh, trao đổi với bác sĩ điều trị của mình, xác định đúng mục tiêu và nguyện vọng của bạn ở thời điểm đó để đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất. Sự nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ sẻ chia của gia đình, bạn bè và xã hội sẽ giúp bạn vượt qua được những thách thức của bệnh nhân ung thư di căn, nhằm kéo dài cuộc sống cho bạn với chất lượng tốt nhất.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục