Cơ thể con người chống chọi với cái lạnh như thế nào?

Thùy Hương (Theo ACW), icon
06:00 ngày 27/01/2016

VTV.vn - Giảm nguồn năng lượng, giảm lưu lượng máu và tạo ra cảm giác run rẩy là những cách để cơ thể con người chống chọi với cái lạnh.

(Ảnh: Notable)

Những ngày qua, nhiều nơi trên thế giới đã ghi nhận mức nhiệt độ xuống thấp kỷ lục, trong đó có Việt Nam. Nhiệt độ giảm sâu đã tạo nên băng tuyết ở nhiều tỉnh thành phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang và cả một số tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An.

Nhiệt độ càng xuống thấp, cơ thể con người càng phải tìm cách chống chọi với giá lạnh. Cũng giống như cách cơ thể con người thích ứng với cái nóng của những ngày hè, trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt như hiện nay, cơ thể con người cũng tự tìm cách thích nghi. Yếu tố quan trọng nhất để xua tan cái lạnh và giúp con người tồn tại, đó là khả năng duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể ở mức 37 độ C.

Cái lạnh và môi trường ẩm ướt trong những ngày này ở các tỉnh thành phía Bắc vô cùng nguy hiểm bởi nó khiến cơ thể mất nhiệt và không thể tự sản sinh ra nhiệt lượng bù lấp.

Tuy nhiên, bất kể điều kiện thời tiết như thế nào, cơ thể con người cũng sẽ khởi động ba cơ chế phòng vệ để chống chọi với giá lạnh.

1. Giảm nguồn năng lượng cơ thể

Cơ thể sẽ tự điều chỉnh việc tiêu hao năng lượng theo các mức độ khác nhau nhằm giữ thân nhiệt. Trong quá trình này, cơ thể cũng sẽ tự cắt giảm tần suất co thắt cơ bắp và tái phân bổ nguồn carbohydrates đã được sử dụng.

“Nhiệt độ càng lạnh, hệ thần kinh sẽ hoạt động chậm hơn và các dây thần kinh vận động cũng sẽ điều khiển hoạt động của cơ bắp chậm hơn” - một HLV thể hình cho biết – “Đồng thời, cơ thể sẽ sử dụng nhiều hơn lượng carbohydrates để sản sinh lactic acid. Lượng lactic acid kết hợp với sự hoạt động chậm lại của hệ thần kinh sẽ khiến cơ thể con người chậm chạp hơn, qua đó, giữ được nhiệt lượng.

2.Giảm lưu lượng máu

Theo các nhà nghiên cứu tại Viên Nghiên cứu Quân đội Khoa học Môi trường Mỹ, trời lạnh khiến mạch máu co lại, làm giảm lưu lượng của máu. Lưu lượng máu giảm ở các khu vực sau đầu tiên: da, các đầu ngón tay, bàn tay và bàn chân. Đó là lý do tại sao những bộ phận này thường bị cóng lạnh nhanh chóng khi nhiệt độ giảm.

Việc giảm lưu lượng máu giúp giảm thất thoát nhiệt lượng ra ngoài môi trường. Càng bảo vệ được nguồn nhiệt lượng, cơ thể càng giữ được thân nhiệt ở mức lý tưởng là 37 độ C.

Tuy nhiên, cơ chế này cũng có tác động trực tiếp đến những người bị bệnh tim mạch. Mạch máu thu hẹp dẫn tới tăng sức cản của động mạch, huyết áp tăng kèm theo tăng nhịp đập của tim. Sự tăng huyết áp này không kéo dài nhưng người đang bị bệnh cao huyết áp cần đặc biệt lưu ý để phòng tránh hậu quả xấu.

3. Bạn cảm thấy run rẩy

Để sản sinh ra nhiệt, cơ thể sẽ cho phép các cơ bắp và các cơ quan nội tạng tự rung lắc bên trong cơ thể. Đây cũng chính là lý do bạn thường run lẩy bẩy mỗi khi trời lạnh.

Tuy nhiên, biện pháp này lại tiêu hao khá nhiều năng lượng và không thực sự hiệu quả. Cơ thể sẽ chỉ bắt đầu run rẩy khi nhiệt độ trên da bắt đầu hạ xuống.

Điều gì sẽ xảy ra khi cơ thể tới ngưỡng chịu đựng?

Nếu quá trình tiếp xúc với cái lạnh kéo dài, cơ thể sẽ không còn khả năng bảo vệ thân nhiệt và duy trì nhiệt độ bên trong cơ thể. Đây cũng là khi các hiện tượng đe dọa tới tính mạng như tê cóng và giảm thân nhiệt xảy ra.

Hãy tự biết cách bảo vệ bản thân mình trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hiện nay nhé!

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục