Có thực Shisha không độc hại?

PV, icon
07:22 ngày 06/08/2013

Shisha, 1 loại hút cần có xuất xứ từ Trung Đông, được quảng cáo không độc, không nicotine và hoàn toàn từ thảo dược đã thu hút rất nhiều người trẻ tại TP HCM và Hà Nội hút. Tuy nhiên, có thực Shisha không độc hại?

Shisah đã du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay. Shisha được hút thông qua 1 chiếc bình lọc giống như điếu bình và thường được hút tập thể. Nếu trước kia muốn hút Shisha phải vào quán bar, quán café đắt tiền với giá tiền triệu đồng/ bình Shisha thì giờ đây ngay cả quán trà chanh cũng phục vụ Shisha với giá chỉ hơn 100 nghìn đồng.

Các bạn trẻ vẫn rỉ tai nhau, hút Shisha chỉ để thơm miệng, không hại, không nghiện vì thành phần thuốc chủ yếu là thảo dược và không có nicotine. Tuy nhiên, hút Shisha có thực sự an toàn hay không? Để trả lời câu hỏi này, chương trình Cuộc sống thường ngày đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần.

‘ Bình hút Shisha.(Ảnh: Dân trí)

PV: Xin bác sĩ cho khán giả biết thêm những thông tin về loại thuốc Shisha mà các bạn trẻ đang dùng?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn: Trước hết Shisha giống như thuốc lá và thuốc lào, nguồn gốc đầu tiên ở Ấn Độ, tới thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII thuốc lá của châu Âu tràn vào Ấn Độ, từ đó lượng người hút Shisha giảm đi. Để lấy lại khách hàng, người ta đã chế ra những chiếc bình rất hấp dẫn, cầu kỳ, cho lọc qua nước và nghĩ rằng nó đỡ hại. Đó là phương thức để Shisha cạnh tranh với thuốc lá.

Sau đó, từ Ấn Độ, Shisha đã lan tràn qua các nước khác ở vùng Trung Đông. Việc nâng đẳng cấp lên và cho rằng người hút Shisha bằng những chiếc bình càng đắt bao nhiêu thì đẳng cấp cũng nâng lên bấy nhiêu xuất hiện. Người ta xem chỉ có quý tộc mới được dùng, nhưng tới nay nó đã trở thành bình dân và phổ biến.

PV: Rất nhiều người nghĩ rằng hút Shisha thì không có hại cho sức khỏe, sự thật thì như thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn: Chúng ta đều biết, Shisha giống hệt thuốc lá và thuốc lào, mỗi một địa phương có một tên gọi khác nhau, chẳng hạn như nước ta gọi là thuốc lào, châu Âu là thuốc lá. Tác hại của Shisha cũng giống hệt như thuốc lá và thuốc lào.

Tuy nhiên, Shisha có những điểm nguy hiểm hơn ở cách sử dụng tập thể, điều này rất đang lo ngại. Đầu tiên là lôi kéo người khác cùng sử dụng, thậm chí ép buộc họ phải sử dụng chung. Thứ hai, chúng ta một bình Shisha như vậy thời gian ít nhất là 40 phút, như vậy, số lần hít vào sẽ là từ 50 – 200 lần, lượng khói đưa vào cơ thể sẽ gấp từ 100 – 200 lần so với hút 1 điếu thuốc lá, đó là lượng khói rất khủng khiếp. Lượng khói này tương đương 0,15 – 0,5 lít khói.

Đặc biệt, lượng nicotine vào trong cơ thể do hút Shisha còn cao hơn thuốc lá đến 75%. Như vậy, không những lượng nicotine có mà còn đưa vào phổi nhiều hơn cả khi hút thuốc lá. Hút Shisha cũng có tác hại không kém gì thuốc lá, cũng gây ung thư… Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ các bệnh răng miệng, ung thư phổi ở những người sử dụng Shisha thường sẽ gấp 5 lần so với những người không sử dụng.

Điều đáng báo động trong xã hội hiện nay là giới trẻ đang lợi dụng việc hút Shisha là một chất gây nghiện hợp pháp để trá hình, sử dụng các chất ma túy, các chất gây nghiện bất hợp pháp. Ví dụ hàng đá, cần sa, tài mà… loại ma túy dễ bị lạm dụng để sử dụng bình này. Ở nước ngoài, các hình thức trá hình này đã được sử dụng và tại Việt Nam cùng đã bắt được các trường hợp núp dưới danh nghĩa Shisha để sử dụng ma túy đá.

‘ Trong không gian chật hẹp và đông đúc, giới trẻ vẫn sử dụng Shisha như chất xúc tác cho cuộc chơi. (Ảnh: CAND)


PV: Như vậy, Shisha thực sự rất có hại cho sức khỏe và đặc biệt nguy hại hơn khi bị biến tướng đi, vậy theo ông các bậc cha mẹ và cả các bạn trẻ làm thế nào để biết được trong Shisha có chất kích thích?

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn: Shisha khi sử dụng trong môi trường hẹp, với lượng khói dày đặc, sẽ gây ảnh hưởng tới cả những người hút thụ động. Những người đã hút rồi lại hít cả khói của những người khác… từ đó sẽ tăng nguy cơ bị các bệnh về phổi gấp nhiều lần so với thuốc lá.

Bản thân gia đình cũng cần biết, thế giới không khuyến khích dùng thuốc lá, do có hại cho cơ thể, có hại cho sức khỏe của chúng ta và cho những người xung quanh. Việc nghiện các chất ma túy bao giờ cũng bắt đầu với việc nghiện các chất gây nghiện hợp pháp trước, trong đó có thuốc lá, rượu… do vậy cha mẹ cần hết sức cảnh giác, ngăn chặn việc nghiện thuốc và lối sống của con em mình.

Shisha thường để dưới dạng các lá khô, được để dưới một lớp giấy bạc và đốt để hút khói. Khi nói Shisha ít nicotine và ít bị độc hại do được lọc qua nước là ngụy biện. Bởi thực tế phần lớn các chất độc vẫn không được lọc qua nước và vẫn vào cơ thể.

Mời quý vị và các bạn theo dõi toàn bộ cuộc trao đổi của với bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần với phóng viên VTV về những độc hại của Shisha đến sức khỏe con người.

Cùng chuyên mục