Còi xương do thiếu vitamin D ở trẻ em

Tuấn Bảo, icon
09:34 ngày 25/06/2018

VTV.vn - Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nguyên nhân chủ yếu do thiếu ánh sáng mặt trời, kiêng khem quá mức và chế độ ăn nghèo canxi - phospho; lại không được bú mẹ.

Hình minh họa (Ảnh: thealthbenefitsof)

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, còi xương là bệnh loạn dưỡng xương do thiếu vitamin D hay rối loạn chuyển hóa vitamin D dẫn đến xương mềm và dễ gãy. Bệnh còi xương do thiếu vitamin D được gọi là còi xương dinh dưỡng là bệnh phổ biến ở trẻ em (thế giới có 40-50% dân số thiếu vitamin D). Bệnh còi xương dinh dưỡng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể chất của trẻ, làm tăng tần suất mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Vitamin D là vitamin tan trong dầu, thực chất là một loại hormone hay kích thích tố. Vitamin D (D2,D3) được hấp thụ ở ruột non nhờ tác dụng của muối mật, vào máu qua hệ bạch huyết. Trong máu vitamin D được gắn với 1 protein và chuyển đến gan (đó là một globulin). Hay tiền vitamin D (7 dehydrocholesterol) có nhiều lớp của biểu bì da, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời chuyển thành vitamin D3.

Vitamin D có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển cơ thể của trẻ. Tại xương, vitamin D tăng cường tạo khuông xương bằng cách tăng hoạt tính của ADN trong nguyên bào xương. Kích thích vận chuyển và lắng đọng canxi vào khuông xương thông qua việc giữ cân bằng canxi trong máu. Ngoài ra, vitamin D còn tham gia vào điều hòa độ chắc răng, chức năng một số gen, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, phát triển hệ sinh sản và da ở nữ giới.

Canxi và vitamin D là hai thứ đi song song với nhau, vì thế, các mẹ phải bổ sung tương đồng nhau. Có 2 nguồn chính cung cấp vitamin D: nội sinh & ngoại sinh. Nguồn vitamin D nội sinh do các tiền vitamin D ở trong da, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh sáng mặt trời chuyển thành vitamin D3; đây là nguồn cung cấp vitamin D chính của cơ thể (chiếm 80-90% nhu cầu). Nguồn vitamin D ngoại sinh có được từ thức ăn: động vật và thực vật. Nguyên nhân của còi xương là thiếu hụt vitamin D, Ca, P. Có 3 nguyên nhân thường gặp đó là còi xương dinh dưỡng, còi xương đái tháo phosphate, còi xương thận.

Nhu cầu vitamin D của cơ thể phụ thuộc vào tuổi, trẻ nhỏ dưới 15 tuổi và phụ nữ có thai là nhóm đối tượng cần được bổ sung nhất. Điều trị chủ yếu còi xương bằng phương pháp lấy vitamin D kết hợp với Ca.

Cần phải làm gì khi trẻ bị còi xương?

Cho trẻ tắm nắng hàng ngày: khoảng 10-15 phút lúc buổi sáng (trước 9 giờ), để chân, tay, bụng, lưng trẻ tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng.

Cho trẻ uống vitamin D 4000 UI/ngày trong 4-8 tuần, trong trường hợp trẻ bị viêm phổi, tiêu chảy cần tăng liều 5000 - 10.000 UI/ngày trong 1 tháng.

Cho trẻ uống thêm các chế phẩm có canxi như: Canxi B1 - B2 - B6: 1-2 ống/ngày, trẻ lớn có thể ăn cốm canxi 1-2 thìa cà phê/ngày.

Chế độ ăn uống

- Cho trẻ bú mẹ.

- Ăn bổ sung các loại thực phẩm có chứa nhiều canxi: sữa, cua, tôm, cá trong các bữa ăn hàng ngày.

- Cho dầu mỡ vào bữa ăn hàng ngày của trẻ: Vì vitamin D là loại tan trong dầu, nếu cần cho trẻ ăn dầu mỡ để hấp thụ được vitamin D.

Đặc biệt, khi thấy có những dấu hiệu của còi xương nên cho trẻ đi khám để thầy thuốc hướng dẫn và chỉ định cách điều trị cụ thể và tích cực hơn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục