Cúm A/H7N9 có lây từ người sang người?

SKLV, icon
07:53 ngày 17/04/2013

 Cơ quan y tế Trung Quốc cho biết, một bé trai 4 tuổi tại Bắc Kinh có xét nghiệm dương tính với cúm A/H7N9, xác định cậu bé là nguồn lây. Thông tin này khiến dư luận hết sức quan tâm và đặt câu hỏi: “Có hay không virus H7N9 lây từ người sang người?”

Cúm gia cầm chủng mới là chủng cúm có độc lực mạnh và diễn biến hết sức phức tạp. (Ảnh: toquoc.vn)

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên VTV đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

PV: Tại Trung Quốc đã phát hiện trường hợp mang trong người virus H7N9 nhưng không có những dấu hiệu của bệnh và xác định đây là nguồn lây. Xin ông cho biết, thế nào là nguồn lây?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính: Nguồn lây được xác định là người hoặc vật trung gian mang mầm bệnh có khả năng lây nhiễm sang người khác. Riêng với cúm, có cúm A/H1N1, cúm mùa trước đây là H3N2 có thể lây từ người sang người, do đó nguồn lây của các cúm kể trên chính là người mắc bệnh.

Cho tới hiện tại, các chuyên gia dịch tễ học của tổ chức Y tế thế giới cũng như chuyên gia theo dõi dịch tễ lâm sàng Trung Quốc vẫn còn tiếp tục nghiên cứu và chưa nói rõ được cúm A/H7N9 thực sự có thể lây từ người sang người hay không. Do vậy, nói cháu bé có dịch bệnh và lây dịch bệnh sang người là kết luận quá sớm, chưa có bằng chứng cụ thể. Nếu lây từ người sang người và qua đường hô hấp sẽ nhiều người cùng bị một lúc chứ không thể rải rác như vậy được.

Về nguyên tắc, trong một bệnh truyền nhiễm có nhiều thể lâm sàng khác nhau, có những thể điển hình chúng ta sẽ gặp những bệnh cảnh lâm sàng được mô tả kỹ lưỡng. Với cháu bé, cũng giống như quy luật chung của bệnh truyền nhiễm, cũng là một thể lâm sàng đặc biệt và không có triệu chứng, cháu bé vẫn có thể mang mầm bệnh đó nhưng không có biểu hiện bên ngoài.

PV: Ông có nhận định như thế nào về cúm A/H7N9, đặc biệt là mối nguy hiểm như thế nào nếu bệnh có nguy cơ lây từ người sang người?

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính: Với những thông tin từ phía Trung Quốc và với những ca bệnh mắc H7N9 thì có thể xác định độc lực của virus này rất mạnh độc. Chúng ta được thông báo có 63 trường hợp mắc hiện nay và có 14 trường hợp tử vong có thể nói đây là virus H7N9 có độ mạnh độc lớn và có thể gây tử vong cao.

Nếu như có nguy cơ lây từ người sang người đương nhiên sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với H1N1, do vậy chúng ta cần nghiên cứu tiếp tục và theo dõi tiếp diễn biến của dịch, dịch sẽ còn diễn biến hết sức phức tạp và chưa ai lường trước được khả năng sẽ đi tới đâu.

Điều quan trọng nhất hiện nay là chúng ta phải bình tĩnh quan sát và tích cực chủ động phòng tránh dịch bệnh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi thêm cuộc trao đổi TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục