Đắk Lắk: Tử vong do bệnh dại có chiều hướng tăng

Hương Xuân, icon
09:00 ngày 30/04/2018

VTV.vn - Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm, toàn tỉnh xảy ra khoảng 4.000 trường hợp bị vật nuôi cắn, trong đó, năm 2017, có 5 ca tử vong do bệnh dại.

Tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh. Ảnh: Quang Nhật

Riêng 3 tháng đầu năm 2018, Đắc Lắc tiếp tục ghi nhận hai trường hợp tử vong. Nguyên nhân của  những ca tử vong này được xác định là do không tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

Thời tiết giao mùa, nắng nóng là thời điểm bệnh dại có nguy cơ tăng mạnh, song, thói quen nuôi chó, mèo thả rông của nhiều gia đình, nhất là tại các khu dân cư yên tĩnh hay vùng nông thôn vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong khi việc tiêm phòng vaccine ngừa bệnh dại cho chó, mèo chưa được nhiều người thật sự quan tâm.

"Việc tiêm phòng bệnh dại cho chó  thỉnh thoảng tiêm khi có cán bộ thú y thông báo nhưng mèo thì không tiêm bao giờ vì ít khi thấy mèo bị bệnh dại."- Bà H’Nghe Buôn Dao, buôn M’Duk, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết. Bà Nguyễn Thị My, tổ dân phố 2, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết: "Ở khu vực này, hầu như nhà nào cũng nuôi chó, mèo nhưng việc tiêm vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi nhiều khi cũng lơ là, nên nếu chó, mèo bị bệnh dại thì người đầu tiên có nguy cơ bị lây bệnh có thể là chủ nhà, có thể là hàng xóm nên cũng lo lắm!".

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây ra. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, vết liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương, tỷ lệ tử vong do bệnh dại gần như 100%.Theo Ông Phạm Văn Lào – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk: hiện nay, số lượng vật nuôi trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung có tăng lên nhưng tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi còn ở mức thấp, tính tự giác phòng bệnh của nhiều người, nhất là gia đình nuôi chó, mèo chưa cao, thậm chí khi bị chó, mèo cắn, một số trường hợp không đi tiêm phòng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến những ca tử vong do bệnh dại tăng trong thời gian gần đây. Theo đó, trung bình mỗi ngày, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận khoảng 30 lượt người đến tiêm chủng các loại thì có gần 10 trường hợp tiêm vaccine phòng bệnh dại do chó, mèo cắn. Điều đáng nói là một số người khi bị vật nuôi cắn sau một thời gian mới đi tiêm phòng. Trường hợp Bà Bùi Thị Liên, thôn 14, xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk là một ví dụ. Bà kể: "Khi tôi đang chơi đùa với vật nuôi thì bị con chó con cắn, thấy vết thương chỉ hơi ứa máu và bầm thịt nên cũng không lo lắng gì, nhưng 20 ngày sau thì con chó con đó chết nên tôi mới đi tiêm phòng."

"Để tránh nguy cơ chó mèo mắc bệnh dại và lây truyền sang người, giảm số người bị chó, mèo cắn và tử vong, cần tiêm đầy đủ vaccine phòng dại cho vật nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; Nuôi chó phải xích, nhốt và phải rọ mõm cho chó khi ra đường… Khi bị chó, mèo cắn, cào tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa mà cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy với xà phòng liên tục trong vòng 15 phút, sau đó, rửa lại với cồn 70 độ nhưng không băng kín vết thương. Và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh dại kịp thời." - Ông Phạm Văn Lào – Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục