Dấu hiệu nhận biết và các dạng bệnh động kinh

Quang Phồn, Phùng Sơn (Ban Thời sự), icon
06:00 ngày 01/01/2016

VTV.vn - Ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, đã cung cấp các thông tin hữu ích về dấu hiệu nhận biết và các dạng bệnh động kinh.

Bệnh viện Tâm thần Trung ương I mỗi năm điều trị khoảng 130 bệnh nhân động kinh. Đáng chú ý, những người vào viện đều là các bệnh nhân đã bị động kinh nặng.

Ông La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: “Bệnh động kinh biểu hiện ở 4 tính chất của cơn động kinh gồm cơn xảy ra trong thời gian ngắn, đột ngột, định hình, cơn sau giống cơn trước. Người dân thường chỉ biết đến bệnh động kinh qua các cơn co giật toàn thân hoặc một phần cơ thể, trợn mắt, sùi bọt mép. Tuy nhiên, dạng động kinh này chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Trên thực tế, còn tồn tại các dạng động kinh khác như cơn bệnh cảm giác đau (đau bụng, đau đầu), ngứa”.

Người bệnh động kinh nếu không được điều trị sẽ có thể bị biến đổi nhân cách như chi li, vụn vặn, hay thù hằn, độc ác, từ đó dẫn đến các hành vi rất nguy hiểm. Một hậu quả khác là bệnh động kinh có thể gây hoang tưởng, ảo giác, chống đối”.

Theo các bác sỹ bệnh viện Tâm thần Trung ương I, khoảng 60 - 75% các trường hợp động kinh là không rõ nguyên nhân. Các trường hợp còn lại có thể do tổn thương não trong bào thai, chấn thương lúc sinh, ngộ độc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương đầu, u não, tai biến mạch máu não. Đa số các dạng động kinh không có tính di truyền.

Một vấn đề đáng nói là tâm lý chủ quan của người bệnh. Có nhiều trường hợp bệnh nhân cho rằng đã khỏi động kinh và tự ý bỏ thuốc, dẫn đến bệnh tái phát nặng, điều trị tốn kém và phức tạp hơn. Hiện cả nước có khoảng hơn 300.000 người bệnh động kinh trong cộng đồng. Do đó, việc điều trị cho số bệnh nhân này sẽ khá khó khăn nếu người bệnh và gia đình không chủ động.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục