Đầu năm nói chuyện dùng thuốc

ThS. LÊ QUỐC THỊNH, icon
09:38 ngày 19/01/2013

Những ngày tết nếu đang phải uống thuốc thì nên quan tâm đến các thức ăn, đồ uống có tác dụng thế nào đến thuốc dùng hàng ngày. đặc biệt, người đang bị các bệnh mạn tính cần duy trì uống thuốc...

Bệnh mạn tính - đừng quên uống thuốc

Đối với người có nguy cơ đường huyết cao đang dùng thuốc trị đái tháo đường (ĐTĐ)… cần hết sức chú ý việc dùng thuốc. Nếu chỉ lơi là một ngày không dùng thuốc có thể làm cho đường huyết tăng gây nguy hiểm cho sức khỏe. Hàng năm cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, số người có xét nghiệm đường huyết cao lại tăng đột biến, nhiều người ở trong tình trạng hôn mê vì đường huyết lên quá cao, do bỏ thuốc hoặc ăn uống thất thường.

Ảnh minh họa

Dịp Tết khiến chúng ta có nhịp điệu cuộc sống bị đảo lộn, ăn ngủ thất thường, không tập thể dục, bỏ thuốc đang điều trị, hết thuốc chưa kịp mua, không tiêm được insulin, không giữ được chế độ ăn thường ngày, ăn quá nhiều vì tâm lý cho rằng “no ba ngày Tết”, do phải tiếp khách đã dùng quá nhiều cà phê, chè, thuốc lá, rượu... Vì vậy, trong những ngày Tết cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, kiêng các thao tác liên quan đến chữa bệnh, không ngừng uống thuốc nếu đang sử dụng, không vì vui mà quên uống thuốc, tiêm thuốc.

Tránh tương tác bất lợi giữa thuốc và đồ uống

Các loại rượu, bia nói chung trên thị trường đều có ancol etylic. Chất này ở liều cao gây co thắt hạ vị, làm chậm sự tháo sạch của dạ dày, do đó làm giảm tốc độ hấp thu và giảm sự tiếp thu sinh học của các thuốc như penicilin V, diazepam (còn gọi là seduxen)... Ancol etylic còn làm thay đổi tính thấm của màng, làm thuốc dễ khuếch tán, làm tăng tác động lên hệ thần kinh trung ương, do đó làm tăng độc tính của nhiều loại thuốc như Levadopa dùng cho bệnh nhân bị bệnh liệt rung (parkinson), Pheno barbital (gardenan) dùng điều trị mất ngủ do các nguyên nhân khác nhau.

Đối với bệnh nhân, cần dùng thuốc ngày Tết, tốt nhất là kiêng rượu, cà phê, nước trà trong thời gian uống thuốc. Trong cà phê, nước chè có hoạt chất là caffein, chất này có tác dụng kích thích hệ thần kinh, gây khó ngủ. Caffein còn làm thay đổi độ hấp thu của một số thuốc, do làm tăng độ acid của dạ dày. Cà phê, nước chè còn làm kết tủa và giảm hấp thu qua đường tiêu hóa của nhiều loại thuốc như Aminazin (clopromazin), Haloperidol... Để tránh các đồ uống kích thích có thể dùng nước đun sôi để nguội. Nước trắng có ưu điểm là giúp thuốc chóng đi tới tá tràng là nơi thuốc dễ hấp thu, tăng sự tan rã của các dạng tế bào, tăng độ tan của hoạt chất, gia tăng độ tiếp thu sinh học của thuốc. Nước trắng còn giúp thải trừ thuốc qua đường tiết niệu tốt hơn. Ngay cả các loại nước ngọt có ga, các loại nước trái cây, hoa quả cũng không thích hợp cho người đang dùng các loại thuốc kháng sinh như: erythromycin, cephalexin, amoxycilin... vì các thức uống này có độ chua gây phản ứng tương tác làm giảm hoạt tính thuốc.

Trong những ngày Tết, khi tiếp khách hoặc khi dự tiệc, nên tế nhị quan tâm đến người đang phải dùng các loại thuốc như thuốc chữa đau dạ dày - loét tá tràng, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị các bệnh mạn tính khác như đau đầu, đau xương khớp... Nên tiếp khách ngày tết bằng các loại đồ uống trung tính kèm với các loại mứt, hoa quả ai cũng có thể dùng được. Tránh tụ tập chè chén, uống rượu bia quá đà đễ gây ra các tai nạn giao thông trong mấy ngày tết làm mất đi không khí xuân vì phải vào bệnh viện.

Trong những ngày Tết, khi tiếp khách hoặc khi dự tiệc, nên tế nhị quan tâm đến người đang phải dùng các loại thuốc như: thuốc chữa đau dạ dày - loét tá tràng, thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị các bệnh mạn tính khác như đau đầu, đau xương khớp.





Cùng chuyên mục