Đêm giao thừa trong bệnh viện

Lê Thạch, icon
01:50 ngày 16/02/2018

VTV.vn - Đêm giao thừa, y bác sĩ ở nhiều bệnh viện đã có những ca trực vất vả nhưng đầy ý nghĩa để giành giật sự sống và bảo toàn sức khỏe cho người bệnh.

Chăm sóc cho các bé sơ sinh vừa nhập viện

Đêm 30 Tết, Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi Trung ương vẫn tấp nập người vào ra. Những bước chân hối hả của các y bác sĩ. Ánh mắt lo lắng của cha mẹ, người nhà bệnh nhi. Tiếng khóc nghẹn của những em bé đang cấp cứu… Vẫn những âm thanh quen thuộc của ngày thường. Tết có lẽ chỉ hiện hữu trên một chậu quất cảnh xanh tươi bên hành lang bệnh viện.

Ngay trước giao thừa, các ca cấp cứu mới vẫn tiếp tục được chuyển đến từ tuyến dưới. Trong đó, có những bé được chuyển đến từ rất xa, như 2 bé gái sinh đôi chưa đầy tháng Âu Khánh Vân và Âu Khánh Linh ở tận Tuyên Quang. Bị viêm phổi nặng, các bé được chuyển xuống Hà Nội và nhanh chóng được các bác sĩ cho thở oxy.

Đêm giao thừa trong bệnh viện - Ảnh 1.

Hai bé song sinh Âu Khánh Vân và Âu Khánh Linh nhập viện đêm giao thừa vì viêm phổi

Bên cạnh hơn 1.500 bé đang phải ở lại viện điều trị trong dịp Tết, những ca cấp cứu mới như hai bé gái này vẫn tiếp tục nhập viện

Đây là năm thứ tư trực cấp cứu vào đêm 30 Tết, bác sĩ Trịnh Thị Thu Hà, Phó Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh cho biết đã quen với cảm giác đón giao thừa trong bệnh viện. Cùng các đồng nghiệp hối hả đón những em bé sơ sinh từ vòng tay người thân đưa vào cấp cứu, chị cho biết công việc cuốn đi khiến các kíp trực không có thời gian để nghĩ ngợi đến việc buồn hay vui khi phải vắng nhà trong đêm giao thừa.

Tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, không khí làm việc tại Khoa Cấp cứu cũng vô cùng tất bật. Năm nay, số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông tăng đột biến trong những ngày nghỉ Tết khiến lượng máy thở hiện có không còn đủ để phục vụ người bệnh. Bệnh viện đã huy động tối đa nhân lực trực cấp cứu, đồng thời vận dụng mọi giải pháp để xử lý tình huống khẩn cấp. 

Đêm giao thừa trong bệnh viện - Ảnh 2.

Các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức trong ca trực đêm giao thừa

Đang trực cấp cứu, bác sĩ Bùi Trung Nghĩa, Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: cả kíp trực phải liên tục kết nối với các bệnh viện khác như Saint Paul, Thanh Nhàn và Bệnh viện E để chuyển bớt bệnh nhân sang, bảo đảm không để bệnh nhân nguy cấp nào thiếu trang thiết bị. Bên cạnh đó, việc mổ cấp c ứu những ngày này cũng hết sức căng thẳng với trung bình từ 30-40 ca/ngày. Ngoài 7 bàn mổ cấp cứu, bệnh viện đã phải tổ chức thêm một bàn mổ phiên đáp ứng việc cấp cứu điều trị bệnh nhân.

Một bệnh viện khác luôn tấp nập trong đêm giao thừa, đó là Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Thời điểm cận kề giao thừa vẫn còn có 400 bệnh nhân, trong đó có 200 sản phụ và 200 trẻ sơ sinh. Làm thế nào để tất cả các ca sinh nở đều mẹ tròn con vuông, không có tai biến luôn là sức ép thường trực đối với các y bác sĩ nơi đây. Tiến sĩ Vũ Bá Quyết, Giám đốc bệnh viện cho biết: Bệnh viện đã bố trí trực 4 cấp để các quy trình chuyên môn được thực hiện chặt chẽ nhất. Trước thềm năm mới, Tiến sĩ Quyết vui mừng chia sẻ: năm qua, bệnh viện đã đỡ đẻ và mổ đẻ thành công 2.822 trẻ.

Đêm giao thừa trong bệnh viện - Ảnh 3.

Những em bé mới chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương

Theo thống kê của Bộ Y tế, Tết Nguyên đán năm nay, cả nước có gần 80 nghìn bệnh nhân đón Tết trong bệnh viện, hầu hết đều là những ca nặng. Đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ sở y tế, nhiều y bác sĩ miệt mài làm việc không nghỉ Tết. Niềm vui ngày Tết của họ, chính là khi không có trường hợp nào không qua khỏi hoặc phải trả về nhà trong ca trực của mình.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục