Điều trị Methadone xã hội hóa liệu có khả thi?

Quý Thông, icon
07:00 ngày 27/06/2013

Sử dụng Methadone trong điều trị cai nghiện thay thế cai nghiện bắt buộc đang là lựa chọn của nhiều trung tâm, tuy nhiên nó có thực sự khả thi?

Thời gian qua, chủ yếu người nghiện được đưa vào các trung tâm cai nghiện bắt buộc. Qua một quá trình dài, hiệu quả hỗ trợ cai nghiện và hòa nhập cộng đồng còn rất hạn chế. Do vậy, hướng giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng, ưu tiên mở rộng điều trị nghiện bằng Methadone đang được ưu tiên. Tuy nhiên, hiệu quả của hướng đi này có được như mong muốn hay không, là câu hỏi được đặt ra đối với các cơ quan chức năng.

Tại Cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa TP Hải Phòng, bắt đầu từ 7h đã có rất nhiều người nghiện xếp hàng để được nhận và uống thuốc. Sử dụng Methadone trong điều trị cai nghiện là thói quen của nhiều người nghiện tại TP Hải Phòng từ hơn hai năm nay.

‘ Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo ĐT Đảng CSVN)


Sau khi uống chất thay thế Methadone, những người nghiện vẫn đi làm và sinh hoạt bình thường, đây là điều khác biệt so với phương pháp cai nghiện bắt buộc và mang lại hiệu quả cao. Hầu hết những bệnh nhân cai nghiện đều cảm thấy thoải mái khi điều trị bằng phương pháp sử dụng Methadone.

Bệnh nhân điều trị Methadone tại Hải Phòng cho biết: “Tôi nghiện đã chục năm nay, cũng đi cai 3 trại rồi mà không hiệu quả, bệnh tật phụ rất nhiều, người lúc nào cũng mệt mỏi không làm được việc gì cả. Nhưng khi tôi chuyển sang cai nghiện bằng Methadone tôi cảm thấy thoải mái mà sức khỏe tốt hơn, đi làm được bình thường”.

Một bệnh nhân điều trị Methadone khác cho biết: “Sau khi sử dụng Methadone đầu óc tôi cảm thấy minh mẫn, tỉnh táo hơn. Khi sử dụng Methadone, tôi không còn bị vật vã như trước nữa”.

Trên thực tế, cả nước mới chỉ có 60 cơ sở được sử dụng điều trị thay thế bằng Methadone với hơn 60.000 người tham gia. Con số này chỉ bằng 1/3 số người đang cai nghiện cả nước hiện nay nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tại.

Tại Cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa TP Hải Phòng, mỗi tháng bệnh nhân chỉ phải trả 240.000 đồng/tháng, tương đương 8.000đ/ngày. Nhiều bệnh nhân khác muốn tiếp cận điều trị cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong thực tế giá thuốc lại khá cao, toàn bộ số thuốc mà các bệnh nhân đang được sử dụng đều được tài trợ hoàn toàn từ các tổ chức nước ngoài, vì vậy chỉ tiêu thuốc ở mỗi trung tâm đều bị giới hạn.

Bác sĩ Phạm Văn Quang, Trưởng phòng khám điều trị xã hội hóa Methadone Hải Phòng cho biết: “Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi là các điểm điều trị Methadone bây giờ rất ít. Tại Hải Phòng hiện nay có hơn 10 quận huyện mà có chưa tới 10 cơ sở điều trị Methadone, mỗi nơi chỉ tiêu chỉ có vài trăm bệnh nhân. Số lượng bị giới hạn nên đây là rào cản rất lớn đối với công tác điều trị cai nghiện. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cũng không đủ đáp ứng nhu cầu”.

Nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, nghiên cứu trên 1.000 người tham gia điều trị bằng Methadone tại Hải Phòng, tỷ lệ tuân thủ điều trị sau 6 tháng là 93,2% và sau 12 tháng là 96%. Tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40,8% xuống còn 1,34%

Hiện nay Bộ Y Tế đang cân nhắc sẽ cho sản xuất Methadone trong nước, như vậy thị trường thuốc trong nước sẽ có khả năng tự chủ được nguồn thuốc. Vấn đề khó khăn là Methadone cũng là một chất gây nghiện, việc quản lý loại thuốc này sẽ trở thành một khó khăn lớn đối với các cơ quan chức năng.

Cùng chuyên mục