Dinh dưỡng cho trẻ tập ăn cơm

Việt Hà, icon
02:18 ngày 31/01/2013

Hiện nay, không ít trẻ thường được cho ăn cháo quá lâu. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ 3 tuổi mà vẫn chưa ăn được cơm là quá muộn, điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ.

Nên thay đổi món ăn thường xuyên để tạo hứng thú cho trẻ.(Hình minh họa)

Có những trẻ 3 tuổi đã ăn cơm thành thạo và tập ăn đũa, nhưng cũng có trẻ khi chuyển sang giai đoạn ăn cơm trở nên biếng ăn. Tập cho trẻ ăn cơm vô cùng quan trọng, giúp trẻ luyện răng, luyện cơ nhai và giúp hệ tiêu hóa của trẻ phát triển ngày càng hoàn thiện.

Sau đây là những tư vấn của Bác sĩ - Th.s Phan Bích Nga, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng.

PV: Thưa bác sĩ, những bậc cha mẹ có con nhỏ thường khá lúng túng khi bắt đầu cho trẻ tập ăn cơm. Bác sĩ hãy cho biết ở độ tuổi nào nên cho trẻ ăn cơm?

Th.s Phan Bích Nga: Sau 2 tuổi, về sinh lý trẻ đã đủ hết răng, kể cả răng hàm sẽ giúp nhai nghiền kỹ thức ăn. Ở độ tuổi này, hệ tiêu hóa của trẻ cũng đã cứng cáp hơn, nhìn chung về mặt sinh lý đã gần giống như người trưởng thành.

Chính vì vậy, trẻ đã có thể tiêu hóa được tất cả các loại thức ăn cũng như những dạng thức ăn được chế biến hơi sơ và chế biến thô như người trưởng thành.

PV: Vậy, bác sĩ có thể cho biết, khi trẻ bắt đầu tập ăn cơm thì bố mẹ nên cho trẻ ăn bao nhiêu là đủ?

Th.s Phan Bích Nga: Một ngày chúng ta vẫn phải cho trẻ ăn tối thiểu là 1 lạng rưỡi gạo, quy ra mỗi bữa trẻ phải ăn được hơn nửa bát ăn cơm.

Thêm vào đó là 1 lạng rưỡi các loại đạm, quy ra thịt trứng tôm cá. Mỗi ngày trẻ có thể ăn 1 quả trứng, 1 lạng thịt, tôm, cá… chia ra các bữa ăn trong ngày cho trẻ.

PV: Khi trẻ bắt đầu thay đổi thói quen chuyển từ ăn cháo, ăn bột sang ăn cơm, cũng gặp những khó khăn nhất định vì trẻ hơi biếng ăn. Bố mẹ phải chế biến như thế nào để hấp dẫn trẻ, giúp trẻ thấy thích thú trong bữa cơm?

Th.s Phan Bích Nga: Trước hết, phải lựa chọn các loại thực phẩm mềm và dễ tiêu, đồng thời chúng ta phải lưu ý cách thức chế biến, đẹp mắt.

Khi trẻ mới bắt đầu tập ăn chúng ta nên cho trẻ ăn cơm hơi nát (nhão), để hơi nghiêng nồi cơm về một phía để cho một góc cơm hơi nát.

Các loại thức ăn cũng nên cho bé thêm những đồ ăn riêng như: trứng chưng, trứng rán đúc thịt, trứng trộn thêm trứng cá, trộn thêm cà chua, thịt rán, thịt băm, thịt rim nhỏ…

Nhiều trẻ không thích ăn thịt, chỉ thích ăn trứng, ăn rau... bố mẹ nên giấu thịt vào cùng với các món ăn mà trẻ thích, khi chế biến thì khéo léo làm sao cho lạ mắt để hấp dẫn trẻ, giúp trẻ có thể ăn được nhiều hơn.

PV: Xin cảm ơn những thông tin mà bác sĩ đã cung cấp cho chương trình.

Cùng chuyên mục