Dự phòng sốt xuất huyết trong mùa hè

P.V, icon
09:30 ngày 04/06/2018

VTV.vn - Theo thống kê của WHO, hiện nay có khoảng 2,5-3 tỷ người tại 102 quốc gia và vùng lãnh thổ sống trong vùng dịch tễ của bệnh sốt xuất huyết.

Hình minh họa

Trên thế giới hàng năm có khoảng 50-100 triệu người mắc sốt xuất huyết, 500.000 người mắc sốt xuất huyết trong số đó phải điều trị tại các bệnh viện, 25.000 người tử vong và hầu hết là trẻ em dưới 15 tuổi. Sốt xuất huyết được đánh giá là một trong mười nguyên nhân hàng đầu về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong trên toàn cầu.

Việt Nam là một trong những nước phải gánh chịu hậu quả nặng nề của dịch bệnh này. Năm 2017 sốt xuất huyết được ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố. Số mắc tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và miền Bắc. Theo đó, có 184.741 trường hợp mắc (155.618 nhập viện), 32 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 14.700 trường hợp mắc, 4 trường hợp tử vong, số ca mắc cao tại các tỉnh phía Nam.

Theo nghiên cứu, ở miền Bắc, dịch bệnh thường phát triển mạnh nhất vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 11, sau đó bị gián đoạn do mùa đông lạnh. Còn ở các tỉnh phía Nam, dịch có thể xảy ra quanh năm, đặc biệt điểm nóng của các đợt dịch sốt xuất huyết là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Hiện nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp dự phòng chủ yếu vẫn là tránh muỗi đốt, giải pháp chính để phòng chống sốt xuất huyết là giảm véc tơ, tức là giảm muỗi.

Người dân cần tuân thủ những khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống sốt xuất huyết sau đây:

- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn…

- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục