Đức: Cuộc Cách mạng trong điều trị ung thư

icon
07:24 ngày 31/08/2014

Các nhà khoa học Đức đã phát triển được một lá phổi nhân tạo thu nhỏ như một liệu pháp điều trị cho các bệnh nhân ung thư phổi.

 

‘ Phổi nhân tạo thu nhỏ. (Ảnh: Internet)

Theo các nhà nghiên cứu, công nghệ này sẽ giúp các bác sĩ cách xác định được phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với từng bệnh nhân.

Lá phổi nhỏ bé không lớn hơn một viên đường ép. Nó được các nhà khoa học phát triển để thử nghiệm các liệu pháp điều trị và sẽ được sử dụng trong cuộc chiến chống ung thư phổi.

Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Fraunhofer của Đức đã lấy các tế bào u ác tính từ một bệnh nhân ung thư phổi và nuôi cấy chúng trên một khung các mô liên kết để tạo thành lá phổi thu nhỏ.

Lá phổi này sau đó được gắn với một lò phản ứng sinh học. Để khiến lá phổi nhân tạo có thể ‘thở’, lò phản ứng bơm các chất dinh dưỡng vào các mạch máu. Qua đó, mô hình này có thể phản ứng với thuốc tương tự như ở bệnh nhân thật.

Giáo sư Heike Walles là người chỉ đạo dự án. Bà cho biết, lá phổi thu nhỏ này đại diện cho tương lai của chẩn đoán y học. Nó sẽ giúp các bác sĩ có thêm lựa chọn mới trong phác đồ điều trị thuốc đối với từng bệnh nhân riêng lẻ. Công nghệ mới này cũng cho phép các bác sĩ phát triển những khối u giống như của người bệnh thật.

Giáo sư Heike Walles, Phụ trách Dự án cho biết: “Ưu điểm lớn của công nghệ này là chúng ta có thể lấy khối u của bệnh nhân và phát triển ra 5 đến 10 khối u nhỏ, sau đó thử nghiệm các khả năng chữa trị bên ngoài cơ thể con người. Với cách đó, chúng tôi có thể xác định chính xác phương pháp điều trị thích hợp cho bệnh nhân, phương pháp nào sẽ thất bại hoặc tạo ra sức đề kháng ở người bệnh”.

Bằng việc xây dựng phổi nhân tạo thu nhỏ thay vì thử nghiệm trên động vật, các nhà khoa học hi vọng đây là sẽ là một phương án khả thi để đánh giá các loại thuốc mới với mức độ chính xác cao.

Viết Quân

Cùng chuyên mục