Gia tăng người trẻ tự tử phải nhập viện

Lê Thạch, icon
11:25 ngày 13/01/2018

VTV.vn - Đó là cảnh báo mới từ Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, khi số người trẻ tuổi tự tử tìm đến cái chết phải nhập viện trong thời gian gần đây có chiều hướng tăng.

Chị H ở Nam Định lên Hà Nội chăm con gái uống thuốc ngủ tự tử

Nguyên nhân tự tử phổ biến nhất do stress, trầm cảm

Một thống kê mới đây cho thấy, số người chết do tự tử hiện chiếm tới 33,7%, xếp thứ 2 sau nguyên nhân chết do tai nạn giao thông. Còn ở Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai, thật bất ngờ là hầu như ngày nào nơi đây cũng tiếp nhận bệnh nhân tự tử. Đối tượng thường tìm đến tự tử là những người trẻ tuổi, một số ít ở trẻ em và người cao tuổi. Nguyên nhân tự tử thì có nhiều lý do khác nhau nhưng phổ biến nhất là do stress, trầm cảm…

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết: "Những người tự tử thường là nữ giới, đa số còn trẻ tuổi. Hầu hết có dấu hiệu căng thẳng sau những xung đột, tâm lý buồn chán, mất ăn, mất ngủ, dính tới nợ nần. Thi thoảng có người vốn sẵn tiền sử bệnh tâm thần. Việc lựa chọn cách thức tự tử của người bệnh thông thường qua đường uống, tiêm chích hay treo cổ… Đối với trường hợp tự tử bằng chất độc, người ở thành phố thường sử dụng thuốc tân dược (như thuốc ngủ), sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật (như thuốc diệt chuột, thuốc diệt cỏ…) ở người nông thôn và các loại lá cây rừng để tự tử (như lá ngón) ở đồng bào miền núi...".

Gia tăng người trẻ tự tử phải nhập viện - Ảnh 1.

Giới trẻ tự tử vì stress, trầm cảm...

Thống kê tại Trung tâm Chống độc cũng chỉ rõ, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân tự tử do dùng thuốc chuột gia tăng nhanh hơn. Việc sử dụng thuốc chuột để tự tử thường rất nguy hiểm so với các cách thức khác vì tỷ lệ tử vong cao. Bên cạnh đó, số người bệnh sử dụng thuốc diệt cỏ Paraquat để tự tử thì tỷ lệ tử vong cũng cao, lên tới 70%. Trung bình cả nước mỗi năm có hơn 1.000 ca tử vong do sử dụng thuốc diệt cỏ Paraquat, còn tại Bệnh viện Bạch Mai là gần 300 trường hợp. Còn lại, những ca ngộ độc cấp tại Bệnh viện Bạch Mai thì tỷ lệ tử vong thấp do người tự tử sử dụng các nhóm hóa chất không quá độc.

Làm thế nào để ngăn chặn những hành vi đáng tiếc này?

Đang nằm điều trị tại phòng cấp cứu Trung tâm Chống độc, em Nguyễn Thị N., 19 tuổi sinh viên trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ vừa khóc vừa ôm mẹ nói lời xin lỗi sau khi đã uống 19 viên thuốc ngủ trasleepy thành phần Rotudin sulfat. Chị H., vừa từ Nam Định lên chăm con cho biết: "Do mâu thuẫn với bạn trai nên hai đứa chia tay nhau, vừa buồn, vừa chán đời nên em N. đã uống thuốc ngủ, may mà có bạn ở cùng phòng đưa vào viện kịp thời không thì không biết cơ sự gì xảy ra rồi".

Lo lắng cho sức khỏe của con, gia đình chị H. đang cố gắng động viên tinh thần con để có thể hồi phục sức khỏe và bình ổn tâm lý.

Gia tăng người trẻ tự tử phải nhập viện - Ảnh 2.

Em Hoàng Ngọc A vì áp lực học tập đã uống thuốc tự tử

Cũng nhập viện vì tự tử, em Hoàng Ngọc A., 18 tuổi, đang học tại một trường phổ thông ở Hà Nội, đã uống 10 viên Paracetamol do áp lực học tập và gia đình. A. tâm sự: "Lúc đấy trong đầu em không nghĩ được gì khác, chỉ muốn quên hết mọi thứ và lựa chọn cái chết mong được giải thoát!". Sau khi được gia đình đưa vào cứu chữa, giờ tỉnh táo hơn em đã thấy hối hận về hành động của mình và gửi lời xin lỗi tới người mẹ đang chăm sóc mình.

Làm thế nào để ngăn chặn những hành vi đáng tiếc này, bác sĩ Nguyên khuyến cáo: Hiện nay, tự tử có thể coi là một loại bệnh. Để tránh và giảm số ca tử vong do tự tử, điều cần thiết nhất lúc này là việc điều trị tâm lý khi gặp các áp lực trong cuộc sống và thăm khám điều trị về thể chất khi cơ thể có dấu hiệu của bệnh tật.

Đối với những người gặp phải căng thẳng, áp lực, có biểu hiện bất thường về lời nói, hành vi, gia đình nên cho đi khám chuyên khoa tâm thần để tránh những tình huống không may xảy ra. Việc sử dụng thuốc tự tử tùy vào loại thuốc và độc tính trong thời gian vài tiếng là bệnh nhân sẽ có biểu hiện nôn mửa, chảy máu… Để sát sao hơn gia đình và người thân cần lưu ý các dấu hiệu như ngủ muộn hơn thông thường, dậy muộn chốt cửa bên trong, nôn mửa không rõ nguyên nhân, kiểm tra các loại thuốc, hóa chất xung quanh, mua các loại thuốc độc mà gia đình không thường sử dụng, viết thư tay để lại…

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục