Giáo dục thể chất: Tăng cường trí thông minh cho trẻ

Vì cuộc sống, icon
03:47 ngày 11/11/2013

 Giáo dục thể chất trong trường học sẽ giúp thế hệ tương lai có đầy đủ sức khỏe cũng như trí tuệ để đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.

Giáo dục thể chất học đường của nước ta trong giai đoạn hiện nay có những chuyển biến tích cực và góp phần vào sự thành công của đổi mới giáo dục và thể dục thể thao trong tình hình mới của đất nước. Có được sự đổi thay như vậy một phần nhờ sự thay đổi nhận thức của đội ngũ giáo viên thể chất, đã hiểu rõ vai trò và lợi ích của môn học trong nhà trường.

Thầy giáo Phan Đình Mạnh, giáo viên trường tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm cho biết: “Giờ học thể chất giúp học sinh cảm thấy tinh thần sảng khoái, vui vẻ sau những giờ học chính khóa căng thẳng, tạo sự hứng thú cho giờ học tiếp theo”.



Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, giáo dục thể chất có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cơ thể. Những tác động của giáo dục thể chất tới con người về các mặt trí lực, đây là điều đặc biệt vì tập thể thao tăng cường trí thông minh. Hoạt động thể chất giúp tạo ra các tế bào não mới trong khu vực liên quan đến trí nhớ. Khi chơi thể thao sẽ cảm thấy đầu óc thư thái hơn, tâm lý thoải mái và có những giây phút thực sự sảng khoái, giảm bớt stress và từ đó tăng khả năng tiếp thu kiến thức trên lớp.

Về đạo đức, tập luyện thể dục thể thao cũng tác động đến đạo đức của học sinh. Lòng kiên trì trau dồi trong quá trình tập luyện sẽ giúp học sinh rất nhiều trong cuộc sống. Khi đối mặt với khó khăn sẽ không chùn bước mà sẽ kiên nhẫn tìm giải pháp để vượt qua.

Về thể lực, đây chính là mục tiêu cơ bản của môn giáo dục thể chất. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh, sinh viên thái độ tôn trọng, yêu quý, giữ gìn bảo vệ cái đẹp. Đồng thời hình thành thái độ không khoan nhượng trước những biểu hiện vô cảm, thiếu trung thực, thiếu văn hóa hoặc trước những hành động tiêu cực trong thể thao nói riêng, trong cuộc sống của con người và xã hội nói chung.

Việc vận động thể lực ngay từ khi còn là học sinh sẽ có tác động toàn diện đến các bộ phận của cơ thể. Một học sinh tập luyện thể dục thể thao thường xuyên sẽ có cơ bắp nở nang và cao hơn những người không tập luyện từ 4-6cm với một cơ thể cường tráng khỏe mạnh.

PGS.TS Lê Thị Hương, Phó viện trưởng Viện đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng, ĐH Y Hà Nội cho biết: “Đối với lứa tuổi học đường cũng như tất các đối tượng khác nói chung thì hoạt động thể chất, thể lực rất quan trọng. Bởi không chỉ tác động đến phát triển thể chất mà còn phát triển tinh thần và trí tuệ. Tham gia hoạt động thể chất sẽ giúp con người năng động hơn, giúp phát triển hoàn chỉnh cơ quan bộ máy trong cơ thể”.

Thời gian học tập trên lớp của học sinh thường chiếm nhiều thời gian nên nếu không hoạt động toàn thân sẽ dẫn đến các bệnh về xương khớp, cột sống có thể bị cong vẹo và một số bệnh lý về mắt học đường.

Cùng chuyên mục