Hà Nội: Trung tâm Y tế Dự phòng cảnh báo đề phòng bệnh tay chân miệng bùng phát

Minh Đức, icon
06:00 ngày 04/10/2017

VTV.vn - Từ tháng 9 đến tháng 12, Hà Nội phải đối mặt với nguy cơ bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ ở trẻ nhỏ, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không chữa trị đúng cách.

Theo thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, dịch sốt xuất huyết liên tục giảm trong tuần vừa qua nhưng số ca mắc bệnh tay chân miệng lại có xu hướng gia tăng trong 2 tuần gần đây, đặc biệt là tại các nhà trẻ mẫu giáo.

Cụ thể, từ ngày 4 -10/9, đã có 31 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng mới, đến ngày 24/9, toàn TP Hà Nội nghi nhận thêm 11 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tích lũy từ đầu năm 2017 là 327 trường hợp mắc bệnh.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, bệnh tay chân miệng đang có sự gia tăng rõ rệt trên địa bàn TP, tuy không có trường hợp tử vong, số ca mắc giảm 87% so với cùng kỳ năm 2016 nhưng từ tháng 9 đến tháng 12 là thời điểm Hà Nội phải đối mặt với bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh mẽ nhất nên không thể chủ quan.

TS Nguyễn Nhật Cảm cũng cho hay, Trung tâm Y tế Dự phòng đã yêu cầu Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã rà soát lại hóa chất, máy móc để tập trung tiêu độc, khử trùng các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi. Việc làm này được thực hiện song song với các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.

Tay chân miệng là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm vi rút thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng. Bệnh chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước hay phân của người nhiễm virus. Vì vậy, bệnh tay chân miệng rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những địa điểm sinh hoạt tập thể như trường học...

Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), có trường hợp sốt cao hơn, đau họng, sổ mũi tương tự như viêm hô hấp trên. Đôi khi trẻ có nôn mửa, rất mệt, quấy khóc. Các biểu hiện này diễn ra chỉ trong vài ba ngày rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi. Các mụn nước có kích thước nhỏ khoảng vài ba milimet nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng nhanh chóng bị vỡ và tạo ra các vết loét gây đau đớn cho trẻ, nhất là khi ăn, uống, nuốt nước bọt. Các mụn nước, bọng nước màu xám, hình bầu dục cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Điểm, đáng lo ngại nhất của bệnh tay chân miệng là biến chứng có thể xảy ra như gây nên viêm màng não - não (gây liệt kiểu bại liệt), viêm cơ tim cấp, viêm phổi, phù phổi và có thể gây tử vong.

Bệnh tay chân miệng lây cho trẻ em khác qua đường hô hấp, trực tiếp qua hơi thở, các giọt nước bọt bắn ra khi ho, nói, cười, hắt hơi. Bệnh cũng có khả năng lây lan qua dụng cụ đồ chơi, dụng cụ ăn, uống bị nhiễm virus gây bệnh.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục