Hải Dương: Gia tăng trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Tuấn Bảo, icon
07:59 ngày 09/06/2018

VTV.vn - Tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương 2 tuần nay, mỗi ngày khoa điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân bị tay chân miệng, tăng 60% so với những ngày bình thường.

Trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Hải Dương

Hầu hết là trẻ dưới 3 tuổi, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt từ 38 đến 40 độ C, bệnh nhân có biểu hiện giật mình. Đặc biệt, có những trường hợp có biểu hiện run chi, đứng không vững, suy hô hấp.

Bác sĩ Trần Thị Thanh Nhàn, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Hải Dương cho biết: Bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát triển. Bệnh có thể gây thành dịch lớn. Đa phần trẻ có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vài giờ.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí dẫn đến tử vong. Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt và tổn thương ở da.

Bác sĩ Nhàn cũng lưu ý, khi trẻ điều trị bệnh tay chân miệng ngoại trú, cha mẹ cần theo dõi nếu xuất hiện một số dấu hiệu sau cần cho trẻ nhập viện tránh biến chứng đáng tiếc. Cụ thể, trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nếu trẻ sốt cao không hạ, dù đã dùng thuốc paracetamol. Cũng cần đưa trẻ tới cơ sở y tế, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ dùng hạ sốt Ibuprofen. Hoặc khi thấy trẻ giật mình với tần suất tăng dần, đó chính là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.

Tuy nhiên, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường tự khỏi sau 5-7 ngày, với điều kiện trẻ được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa. Cha mẹ chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt, giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê đơn. Vệ sinh miệng cho trẻ thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Cha mẹ cần lưu ý cách ly khi trẻ bị bệnh, tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho trẻ hàng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.

Theo Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Hải Dương, tính đến hết ngày 3/6, toàn tỉnh đã ghi nhận 74 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng vào điều trị tại các tuyến, tăng 63 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, trong 2 tuần nay ghi nhận số ca mắc bệnh tăng, độ tuổi mắc chủ yếu là dưới 3 tuổi, trong đó có 2 trường hợp diễn biến nặng ở huyện Kinh Môn và thành phố Hải Dương xét nghiệm đều dương tính với týp virus AV71. Đây là týp virus có độc tính rất mạnh và có khả năng làm tổn thương tổ chức thần kinh trung ương, gây ra những bệnh cảnh lâm sàng nặng và hậu quả để lại biến chứng xấu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục