Hiểm họa đuối nước luôn rình rập trẻ

Việt Hà, icon
02:44 ngày 22/05/2013

 Trong những ngày hè, nhiều vụ đuối nước thương tâm đã xảy ra đối với các em nhỏ. Do vậy, rất cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hạn chế những tai nạn đang tiếc có thể xảy ra.

Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 6 tháng đầu năm 2012, ở nước ta đã có trên 800 trẻ bị đuối nước. Tình trạng đuối nước trẻ em ở Việt Nam cao nhất nhì khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 -10 lần các nước phát triển.

Trong chương trình Cuộc sống thường ngày, mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em để tìm hiểu thêm về nguyên nhân dẫn tới tình trạng đuối nước ở trẻ cũng như cách phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ.

‘ Tai nạn đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm trẻ em mỗi năm (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đuối nước ở trẻ em chính là sự bất cẩn của phụ huynh.

Ông Nguyễn Trọng An cho biết: “Qua thống kê của chúng tôi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường chỉ tử vong trong gia đình, trẻ có thể gặp nạn ngay tại các loại xô, chậu, chum vại chứa nước ở trong gia đình và giếng khơi… Những trẻ lớn hơn thường tử vong tại các khu vực ao, hồ, sông nước. Chính vì vậy, sự giám sát, quan tâm chú ý của các bậc cha mẹ là cực kỳ quan trọng. Dẫn tới những tai nạn thương tâm đối với trẻ cũng chính là do sự bất cẩn, lơ là thiếu quan tâm tới trẻ của gia đình và các bậc phụ huynh”.

Một nguyên nhân khác, đó là môi trường quanh trẻ chưa an toàn. Những đoạn sông sâu, hồ sâu thường không cắm biển báo. Ao quanh nhà, hố nước sâu sau khi đào lấy đất đóng gạch, tưới cà phê, hay các hố ở các công trình xây dựng không có rào chắn, không có nắp đậy…

Ông Nguyễn Trọng An cho biết: “Ở những nơi thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em thường là nơi không có rào chắn, không có cảnh báo. Tại những khu vực ven sông, trẻ thường xuyên ra các bãi cát chơi rồi sụt cát dẫn tới tử vong.

Bên cạnh đó, tại các khu du lịch, công viên có nhiều hồ nước cũng gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc đối với trẻ. Một thực tế đang diễn ra là những môi trường dễ dẫn tới tai nạn như vậy, nước sâu như vậy lại không có cảnh báo, không có bảo vệ. Điều đó cho thấy môi trường thiếu an toàn vẫn đang rình rập tới sự an toàn của trẻ”.

‘ Dạy trẻ biết bơi và hướng dẫn kỹ năng cứu người đuối nước là rất cần thiết.

Hàng năm, cứ 2 tháng đầu hè, số trẻ bị đuối nước lại tăng vọt. Vì vậy, đây chính là thời điểm cần sự phối hợp chặt chẽ để giám sát, giáo dục cho trẻ những kỹ năng cần thiết phòng chống đuối nước.

Theo ông Nguyễn Trọng An: “Các thầy cô giáo phụ trách tại các trường, các anh chị phụ trách tại cộng đồng phải kết hợp với gia đình, các bậc phụ huynh để hỗ trợ cho các em. Cần hướng dẫn trẻ các kỹ năng cũng như dặn dò, nhắc nhở trẻ thường xuyên, có như vậy tình trạng đuối nước mới có thể giảm”.

Đây cũng là tuần học cuối cùng của năm học, trẻ thường chỉ học 1 - 2 tiết ở trường khoảng thời gian trống thường hay dẫn tới tình trạng tắm sông, hồ, kênh… dễ dần tới nguy cơ đuối nước. Do đó, theo các chuyên gia, thầy cô tại các trường học tăng cường quản lý trẻ đến hết giờ học khi cha mẹ tới đón trẻ, cũng là một biện pháp để giảm thiểu nguy cơ đuối nước.

Ở Việt Nam, rất nhiều trẻ không biết bơi, thậm chí những tỉnh nhiều sông nước, thường xuyên phải đối diện với mùa lũ như ĐBSCL, cũng chỉ có khoảng 1/3 số trẻ từ 8 - 15 tuổi biết bơi và hầu hết trẻ không có kỹ năng cứu đuối. Hướng dẫn trẻ cách cứu đuối cũng vô cùng quan trọng để tránh những trường hợp đáng tiếc.

Ông Nguyễn Trọng An cho biết thêm: “Khi em bé ngã xuống nước hay nhìn thấy bạn bè bị đuối nước cần hô hoán cho tất cả người xung quanh biết. Những cách xử trí sẽ được người lớn đưa ra, nếu gặp những người lớn biết bơi trẻ có thể được cứu ngay. Đối với trường hợp không có người lớn, trẻ có thể xử trí bằng cách quăng dây, gậy, xào, phao để cứu người bị đuối. Cũng cần cảnh báo trường hợp trẻ không biết bơi, không có kỹ năng cứu đuối lại nhảy xuống nước để cứu bạn, dẫn đến hậu quả nặng nề hơn.

Những ngày hè mới bắt đầu, nếu các bậc phụ huynh, các cơ quan đoàn thể nỗ lực hơn nữa trong việc quản lý, giám sát, dạy trẻ các kỹ năng cần thiết thì mỗi năm hàng ngàn trẻ em sẽ thoát khỏi tình tai nạn đuối nước.

Những lưu ý phòng tránh tai nạn đuối nước cho trẻ:

- Cha mẹ cần tăng cường giám sát trẻ.

- Tạo môi trường an toàn cho trẻ: đậy nắp giếng nước, hố nước, rào chắn ao hồ, cắm biển báo nguy hiểm.

- Dạy trẻ biết bơi.

- Dạy trẻ kỹ năng cứu người bị đuối nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi VIDEO toàn bộ cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em về phòng chống đuối nước ở trẻ TẠI ĐÂY.

Cùng chuyên mục