Hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ

CSTN, icon
06:00 ngày 04/09/2013

Một nhóm các nhà nghiên cứu Australia đang tiến hành thử nghiệm phương pháp điều trị mới, giúp những người mắc hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ có thể quay trở lại nhịp sinh hoạt như những người bình thường.

Hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ là hội chứng mà đồng hồ sinh học của người bệnh “chậm” hơn so với mọi người, do vậy họ rất khó ngủ sớm vào buổi tối. Nhiều người mắc hội chứng này chỉ đơn thuần nghĩ rằng mình bị mất ngủ, trong khi hội chứng này có thể trở thành mãn tính.

Theo nhóm các bác sĩ Học viện Woolcock, Australia, chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ là một hội chứng không ít người ở nước này mắc phải. Tuy nhiên, không phải ai cũng phát hiện ra việc mắc hội chứng này, mà mọi người chỉ nghĩ mình bị mất ngủ. Thực tế, đây là hội chứng mà đồng hồ sinh học của người bệnh chậm hơn khoảng 2 tiếng so với người bình thường. Điều này có nghĩa, họ thường không thể ngủ trước 2 hoặc 3h sáng, do đó rất khó dậy sớm vào sáng hôm sau.

‘ Ảnh minh họa

Chị Michelle Emerson, Bệnh nhân mắc chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ cho biết: “Tôi đã từng nghĩ nếu như thế giới vặn đồng hồ chậm lại 2 tiếng, có nghĩa mọi thứ sẽ bắt đầu vào 10h thay vì 8h sáng và kết thúc vào 7h thay vì 5h chiều. Như vậy, sẽ trùng khớp với đồng hồ sinh học của tôi”.

Việc đi ngủ muộn của người mắc hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ gây ảnh hưởng rất lớn tới công việc và thời gian biểu của ngày hôm sau, khi họ không thể dậy đúng giờ. Thậm chí, nếu có dậy đúng giờ thì những người mắc bệnh này cũng thấy mệt mỏi do thường xuyên thiếu ngủ.

Giáo sư Ron Grunstein cho biết: “Vấn đề của các bệnh nhân mắc hội chứng trì hoãn giấc ngủ là họ thấy rất khó để hòa nhập vào cộng đồng. Họ cảm thấy mệt mỏi khi không thể ngủ sớm, họ không thể dậy sớm để đi học hay đi làm. Do đó, tỷ lệ bị trầm cảm cũng rất cao”.

Các bác sĩ Học viện Woolcock đang tiến hành nghiên cứu đầu tiên để tìm phương pháp điều trị chứng rối loạn giai đoạn giấc ngủ cho một số thanh niên Australia. Theo đó, họ sẽ sử dụng phương pháp điều chỉnh hormone melatonin, hormone điều hòa chu kỳ ngủ - thức của con người.

Các bác sĩ cho biết, họ cũng sẽ cố gắng theo dõi xem dấu hiệu di truyền có ảnh hưởng đến chứng bệnh rối loạn trì hoãn giấc ngủ hay không. Nếu thành công, đây được xem là một phương pháp đơn giản nhưng có thể giúp người bệnh nhanh chóng quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường như mọi người.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video để tìm hiểu thêm về phương pháp điều trị hội chứng rối loạn trì hoãn giấc ngủ.

Cùng chuyên mục