Kinh nghiệm quản lý giá thuốc tại châu Âu

Hồng Quang, icon
08:44 ngày 22/05/2013

Quản lý giá dược phẩm để người dân và hệ thống an sinh xã hội chịu được chi phí y tế, nhưng vẫn để các hãng dược phẩm thu được lợi nhuận là vấn đề mà bất cứ quốc gia nào cũng phải tìm cách giải quyết.

Biện pháp mà các nước châu Âu sử dụng là xây dựng cơ chế chi trả bảo hiểm y tế rất chặt chẽ, để kiềm chế lợi ích của các tập đoàn dược phẩm. Nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam tại châu Âu đã quan sát cách làm tại một số nước châu Âu và giải thích về biện pháp này.

Một tập đoàn dược phẩm đa quốc gia là một vương quốc bí ẩn, giàu có và quyền lực. Đây là nơi quyết định chính sách giá với mỗi sản phẩm tại mỗi quốc gia. Nhưng đừng mong có được thông tin gì về giá thuốc từ đây, kể cả khi đã tiếp xúc được với lãnh đạo của tập đoàn. Các câu hỏi về giá thuốc đều bị từ chối, chỉ còn lại những nội dung chung chung.

Ông Alexandre Jetzer-Chung, thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn dược phẩm Novartis (Thuỵ Sĩ) cho biết: “Chúng tôi đầu tư nghiên cứu và sản xuất các loại thuốc vì lợi ích của cộng đồng, dành chữa các bệnh sốt rét, bệnh phong và các bệnh nhiệt đới khác. Chúng tôi cũng tập trung vào nhu cầu của các nước đang phát triển”.

‘ Ảnh minh họa

Các hãng dược có những cống hiến lớn cho y học. Nhưng trước hết, đó là các tập đoàn hoạt động vì lợi nhuận và luôn tìm cách tối đa hoá lợi nhuận. Để dung hoà quyền lợi của các hãng dược và nhu cầu chữa bệnh của người dân, trước hết châu Âu tìm cách để công ty bảo hiểm kiềm chế hãng dược.

Ông Nicolaus Lorenz, Phó Giám đốc Viện Nhiệt đới và Y tế công cộng Thuỵ Sĩ chia sẻ: “Về chuyện giá thuốc, có nhiều cách để kiềm chế. Hoặc là công ty bảo hiểm trực tiếp trả tiền cho hiệu thuốc, bệnh nhân không cần biết đến giá thuốc là bao nhiêu. Hoặc là bệnh nhân trả tiền mua thuốc rồi công ty bảo hiểm hoàn lại tiền. Trong cả hai cách, công ty bảo hiểm đều có vai trò giám sát giá thuốc, vì đó là quyền lợi của họ”.

Nhà nước dùng luật để khống chế giá thuốc. Tại Bỉ, thuế áp rất cao với các loại thuốc nhập khẩu tương đương với loại mà trong nước có thể sản xuất được. Luật cũng quy định tất cả các loại thuốc sau khi lưu hành đủ 12 năm sẽ buộc phải giảm giá 30%. 12 năm là quá đủ để hãng dược thu hồi vốn đầu tư cho một sản phẩm. Tuy nhiên, thời hạn này cũng có thể bị rút ngắn, trong trường hợp trên thị trường xuất hiện sản phẩm tương đương có giá rẻ hơn.

Ông Marc du Jardin, bác sĩ gia đình nói: “Tôi không có quyền kê đơn để bệnh nhân mua thuốc đắt tiền, khi có loại thuốc tương đương giá rẻ hơn. Đến mức độ nào được coi là đắt, thường là do các công ty bảo hiểm quy định, nhưng cũng có lúc do Chính phủ quy định. Tại quầy thuốc, dược sĩ cũng buộc phải giới thiệu cho bệnh nhân các thuốc rẻ tiền nhất, sau đó mới đến các loại thuốc tương đương có giá đắt hơn. Chúng tôi nhận thấy là khi các quy định này được áp dụng thì các hãng dược không bị ép cũng tự nguyện đưa giá thuốc xuống mức giá mà các công ty bảo hiểm đồng ý chi trả. Nếu không làm thế, thì họ sẽ bán thuốc cho ai được? Họ buộc phải đặt mức giá thấp hơn”.

Với các bệnh viện, nhiều nước châu Âu cũng áp dụng khoán chi phí theo số lượng bệnh nhân nhập viện. Bệnh viện công hay tư đều phải điều trị trước tiên bằng dược phẩm có giá thấp nhất, vì số tiền mua thuốc cho mỗi bệnh nhân nằm viện cũng bị công ty bảo hiểm khống chế.

Để kiềm chế giá dược phẩm, các nước châu Âu áp dụng đồng thời nhiều phương pháp. Đây là lĩnh vực kinh doanh chịu rất nhiều ràng buộc về mặt pháp lý. Trong cuộc chiến với các tập đoàn dược phẩm giàu có và quyền lực, tiếng nói của người bệnh quá nhỏ nhoi và vô tác dụng, nếu như nhà nước không can thiệp bằng luật. Tuy nhiên, để giảm nhẹ gánh nặng về quản lý Nhà nước, châu Âu vẫn tìm cách để các nhân tố trên thị trường dược phẩm tự kiềm chế lẫn nhau vì quyền lợi của tất cả các bên.

Cùng chuyên mục