Làm cách nào để thoát khỏi cơn đau vai?

Tuấn Bảo, icon
06:32 ngày 05/04/2018

VTV.vn - Cơn đau vai sẽ tác động trực tiếp đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh như: cảm thấy đau hoặc không thể mang, xách các đồ dùng, chơi các môn thể thao yêu thích...

Hình minh họa

Bệnh đau vai là tình trạng khá phổ biến tại Việt Nam, nguyên nhân có thể bao gồm do tuổi tác, chấn thương hoặc tai nạn thể thao. Bệnh đau vai chiếm khoảng 20% lượt thăm khám các bệnh về cơ xương khớp, trong đó các bệnh thường gặp bao gồm: viêm thoái hóa khớp, chấn thương gân chóp xoay hoặc rách sụn viền.

Hầu hết các trường hợp bệnh lý ở vai không cần phẫu thuật, và có thể điều trị tốt nhất bằng các biện pháp bảo tồn như: các chương trình vật lí trị liệu trực tiếp kết hợp dùng thuốc chống viêm. Tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị phù hợp từ đơn giản đến phức tạp:

Nghỉ ngơi: Khi cơn đau vai xuất hiện, điều quan trọng là phải nghỉ ngơi. Không rướn, mang đồ hoặc đeo túi nặng trên vai. Lưu ý những cử động lặp như quét nhà, hút bụi, rửa xe … sẽ khiến cho cơn đau và viêm ở vai tái diễn. Bệnh nhân cần giữ khủy tay dưới vai.

Chườm nóng và chườm lạnh: Chườm lạnh khi cơn đau trở nặng sẽ giúp làm giảm viêm, hạn chế sưng và khó chịu. Có thể chườm lạnh liên tục từ 15 đến 20 phút, thực hiện 3-4 lần mỗi ngày. Trong khi đó, chườm nóng lại giúp ích cho những tình trạng đau vai mãn tính. Bệnh nhân có thể tắm nước nóng và thực hiện các bài căng cơ (theo chỉ định bác sĩ) vào mỗi buổi sáng. Ngoài ra, kết hợp chườm nóng và chườm lạnh (cách ra 40 phút giữa hai lần thực hiện) sẽ giúp người bệnh tận dụng được lợi ích của cả hai phương pháp.

Vật lý trị liệu: các bác sĩ sẽ giúp đưa ra chương trình luyện tập vật lí trị liệu để hỗ trợ bệnh nhân trong việc điều trị bệnh. Các bài tập thường chú trọng vào việc tăng độ linh hoạt cho vai, hoặc cũng có thể là các bài giúp ngăn ngừa sự co cơ hoặc căng vai. Liệu trình siêu âm hoặc xoa bóp có thể được dùng cho các trường hợp viêm bao hoạt dịch.

Kết hợp sử dụng thuốc chống viêm

Tiêm cortisone: Khi những phương pháp điều trị khác không đáp ứng, tiêm cortisone (corticosteroid) có thể tạm thời giúp giải quyết các mô viêm trong khớp, giảm đau. Tuy nhiên, cortisone là một loại thuốc mạnh, và bác sĩ sẽ thảo luận về các phản ứng phụ tiềm ẩn trước khi chỉ định.

Chẩn đoán bệnh

Việc xác định kỹ lưỡng nguyên nhân gây bệnh quyết định sự thành công trong điều trị, và việc chẩn đoán bệnh lý khớp vai đòi hỏi trang thiết bị y tế kỹ thuật cao và bác sĩ dày dạn kinh nghiệm. Trước hết, bác sĩ sẽ cần bệnh nhân cung cấp các thông tin sau:

- Mô tả đặc điểm cơn đau

- Vị trí đau và thời gian đau

- Thời điểm xuất hiện cơn đau lần đầu tiên

- Điều gì khiến cơn đau tệ hơn hoặc đỡ hơn

Các xét nghiệm sau có thể được chỉ định để cung cấp thông tin giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh: Chụp X Quang, MRI, chụp CT hoặc siêu âm.

Khi nào cần phải phẫu thuật?

Trường hợp bệnh nhân không đáp ứng các phương pháp điều trị bảo tồn, phương pháp phẫu thuật sẽ được cân nhắc. Hiện nay, phương pháp mổ nội soi là phương pháp điều trị kỹ thuật cao với nhiều ưu điểm như: thời gian phục hồi rất nhanh, từ 1 đến 3 ngày là có thể ra viện; nguy cơ nhiễm trùng vết thương thấp nhất so với phương pháp mổ hở, giữ thẩm mỹ cho bệnh nhân sau mổ. Cần lưu ý, chỉ định mổ nội soi là chỉ định chặt chẽ, không phải mọi trường hợp bệnh nhân có thể triển khai được.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online

Cùng chuyên mục