Làm thế nào để phát hiện được căn bệnh gây chết người trong 48 giờ?

Minh Đức, icon
05:08 ngày 01/09/2016

VTV.vn - Những bệnh nhân nhiễm khuẩn Whitmore có khả năng tử vong cao trong khi triệu chứng rất dễ gây nhầm lẫn với nhiều loại bệnh khác và chưa có vắc xin phòng bệnh

Trong thời gian gần đây, dư luận đang vô cùng hoang mang khi xuất hiện căn bệnh có thể gây chết người sau 48 tiếng, đây là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể gây tử vong mang tên Whitmore. Thực chất, vi khuẩn Whitmore luôn có sẵn trong đất, trong quá trình người dân lao động tiếp xúc với đất nhiều mà không có đồ bảo hộ sẽ rất dễ bị khuẩn này tấn công qua các vết thương hoặc khói bụi.

Bác sĩ Quốc Thái - khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Bệnh Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau, nếu phát hiện khuẩn Whitmore trong máu thì đó là thể nhiễm trùng máu, trong dịch khớp là thể viêm khớp mủ do khuẩn Whitmore... Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là thể nhiễm trùng máu, nặng hơn nữa là sốc nhiễm khuẩn gây suy nhiều cơ quan, nhiều tạng, bệnh nhân dễ tử vong. Ngoài ra, có thể bệnh mãn tính và cũng có bệnh diễn biến tối cấp, đúng là bệnh nhân có thể tử vong sau 48 tiếng".

Bác sĩ Quốc Thái cho biết thêm, chủ yếu các trường hợp nhiễm khuẩn Whitmore là thể bệnh trung bình, diễn biến cấp tính, bán cấp tính và một số trường hợp diễn biến mạn tính, kéo dài trong nhiều tháng liền. Được biết, tỷ lệ tử vong chung của các bệnh nhân nhiễm bệnh Whitmore là từ khoảng 40% đến 60%.

Điều đáng ngại ở bệnh Whitmore đó là để phát hiện một người có nhiễm trùng trực khuẩn Whitmore hay không thì bắt buộc phải dùng các biện pháp kỹ thuật để tìm ra vi khuẩn bởi các triệu chứng của bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: Nhiễm trùng huyết, áp xe cơ, lao phổi, viêm phổi... Đặc biệt là bệnh Whitmore vẫn chưa có vaccine phòng bệnh.

Thực tế, nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn Whitmore phát bệnh với các triệu chứng giống như những bệnh khác nên rất dễ bị nhầm lẫn trong chuẩn đoán và điều trị. Có những bệnh nhân bị mọc khối mủ ở tay hoặc chân đi khám tại bệnh viện, bác sĩ chuẩn đoán bệnh áp xe cơ bình thường và tiến hành tháo mủ, nhưng sau đó bệnh nhân lại tiếp tục mọc thêm khối mủ khác. Hoặc có những bệnh nhân bị sốt kéo dài, sử dụng nhiều thuốc kháng sinh nhưng không đỡ nhưng triệu chứng vẫn giống như các bệnh cảm sốt bình thường.

Ngoài nguyên nhân tiếp xúc nhiều với bùn đất, môi trường khói bụi cũng có thể khiến người dân hít phải khuẩn Whitmore. Hiện nay bệnh Whitmore chưa có vắc xin phòng bệnh vậy nên biện pháp cơ bản nhất để phòng tránh bệnh là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động sinh hoạt tránh các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!

Cùng chuyên mục