Liệu pháp chữa bệnh bằng ong đốt vẫn gây tranh cãi

Anh Tuấn, icon
06:16 ngày 10/12/2013

 Ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Indonesia, nọc ong được coi là có thể chữa trị nhiều loại bệnh, thậm chí cả ung thư. Tuy nhiên, trên thực tế, phương pháp điều trị bằng ong đốt vẫn chưa được khoa học kiểm chứng và vẫn tồn tại nhiều rủi ro.

Tại phòng khám của nhà trị liệu Wima Harsono tại Thủ đô Jakarta, Indonesia, không có các dụng cụ y khoa chuyên dụng, mà thiết bị duy nhất có ở đây là máy đo huyết áp và những chú ong.

Wima Mulaji Harsono là người có bằng đại học về sinh học và châm cứu cho biết, ông đã phát triển một liệu pháp điều trị bằng việc chích nọc của ong sống vào da. Ông tin rằng nọc ong giúp tăng cường khả năng chống lại bệnh tật của con người.

“Một số thứ bên trong dạ dày của ong có đặc tính chữa bệnh cho con người, nhưng trước tiên chúng ta cần phải khám phá và nghiên cứu thêm về những khả năng này”, Wima Mulaji Harsono, Nhà trị liệu bằng ong đốt cho hay.

Tại phòng khám của Wima Mulaji Harsono, bệnh nhân tới khám sẽ nhận không quá 5 vết đốt mỗi lần. Số lần ong đốt sẽ tăng lên dựa vào thể trạng của bệnh nhân. Những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư có thể nhận tới 50 vết đốt mỗi lần điều trị. Phí điều trị ở đây cũng không đắt, chỉ 5 USD một lần khám. Một số bệnh nhân đã có phản hồi tích cực về phương pháp này.

Ông Ajirwan, bệnh nhân tiểu đường điều trị bằng liệu pháp ong đốt cho biết: “Chân của tôi không bị sưng lên nữa. Tôi đã cảm thấy sự thay đổi kể từ khi thử điều trị ở đây. Tôi thấy mình khỏe hơn rất nhiều”.

Tuy nhiên, phương pháp dùng ong đốt để chữa bệnh đã nhận được thái độ hoài nghi của các chuyên gia y tế. Họ lo ngại các tác dụng phụ, trong đó việc dị ứng với nọc ong có thể gây chết người.

Bác sĩ Arif Fahrrial Syam, bệnh viện Cipto Mangunkusumo, Jakarta bày tỏ suy nghĩ: “Những gì chúng ta biết, đó là ong đốt có thể gây đau, viêm ngứa và sưng da. Do đó, điều quan trọng là mọi người phải tìm hiểu xem liệu nó có lợi ích nào không, hay lại khiến bệnh trầm trọng hơn”.

Ngay cả nhà trị liệu cũng khuyên bệnh nhân không nên quá kỳ vọng vào phương pháp trị bệnh bằng ong đốt. Wima Mulaji Harsono, nhà trị liệu bằng ong đốt cho biết: “Điều trị bằng ong đốt không phải là loại thuốc tức thì, cũng như không chữa tất cả các loại bệnh ngay lập tức. Nó liên quan đến kháng thể của mỗi người và hoạt động tương tự như vaccine”.

Phương pháp điều trị ong đốt có lẽ còn gây tranh cãi trong nhiều năm tới. Trong khi đó, nhiều bệnh nhân ở Indonesia vẫn gửi gắm sức khỏe của mình cho những chú ong.

Mời quý vị và các bạn theo dõi Video chi tiết trong chương trình "Cuộc sống thường ngày":

Cùng chuyên mục