Lơ là trong tiêm chủng, nguy cơ trở lại của các bệnh truyền nhiễm

Tuấn Bảo, icon
12:31 ngày 26/05/2018

VTV.vn - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm gia tăng đáng kể.

Hình minh họa (Ảnh: Sở Y tế Nghệ An)

Đặc biệt, một số bệnh gần được loại bỏ trong chương trình tiêm chủng như: thủy đậu, ho gà... đang phát triển trở lại và diễn biến bất thường. Một trong những nguyên nhân chính được ngành Y tế xác định là do việc tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ bị nhiều phụ huynh chủ quan, lơ là, bỏ qua.

Trên thực tế, vào các thời điểm chuyển mùa, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An luôn có số lượng bệnh nhi tăng đột biến với nhiều loại bệnh, trong đó có một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng từ 700 - 800 bệnh nhân, tăng hơn 30 - 40% so với ngày bình thường. Ngoài các bệnh phổ biến ở trẻ em về đường hô hấp và tiêu chảy, thì thời điểm này đã xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với những đặc tính rất bất thường như ho gà, thủy đậu, đặc biệt là viêm não.

Cũng vì những diễn biến bất thường của dịch bệnh mà việc phát hiện và điều trị gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh lại thiếu kiến thức phòng bệnh cho trẻ dẫn đến tình trạng phần lớn bệnh nhi được đưa đến bệnh viện khi bệnh đã quá nặng. Trong số các bệnh nhi mắc các bệnh truyền nhiễm điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới thì có đến 90% bị biến chứng sang viêm phổi và não. Trong số đó, 70% bệnh nhi chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.

Ths.Bs Võ Mạnh Hùng – Phó trưởng Khoa bệnh nhiệt đới khẳng định: Một trong những nguyên nhân dịch bệnh phát triển hiện nay là do chúng ta lơ là công tác tiêm chủng. Nhận thức về vai trò tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ của nhiều phụ huynh còn hạn chế. Cần phải chấn chỉnh ngay nếu không chúng ta không kịp đối phó khi dịch bùng phát.

Mặc dù ngành Y tế không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của việc tiêm vaccine và thực hiện đầy đủ chương trình tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ được tiêm phòng các loại vaccine thời gian gần đây chưa đạt theo yêu cầu, đặc biệt là thời điểm sau khi một vài trường hợp tiêm vaccine xảy ra tai biến. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, năm 2017 tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt trên 97%. Song 3% còn lại vẫn là nguy cơ lây lan dịch bệnh.

TS.BS Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Tiêm chủng mở rộng đã góp phần rất quan trọng trong việc thanh toán và phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Khi trong cộng đồng có những trường hợp chưa tiêm phòng vaccine mà mắc các bệnh truyền nhiễm thì đây là nguồn lây bệnh cho các trường hợp chưa được tiêm chủng hoặc chống chỉ định trong tiêm chủng. Chính vì vậy, khi công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ cao góp phần hiệu quả để thanh toán được các bệnh truyền nhiễm.

Trước các tác nhân gây bệnh, trẻ cần được bảo vệ bằng tiêm vaccine phòng bệnh. Do đó, các bậc cha mẹ cần phải chủ động và tìm hiểu kĩ càng thông tin để cho con em mình được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục