Miền Nam lạnh đột ngột, làm gì để bảo vệ sức khỏe cho trẻ?

Theo Vân Sơn/Dân trí, icon
06:36 ngày 21/12/2017

VTV.vn - Nhiệt độ tại khu vực Nam Bộ những ngày qua liên tục giảm sâu khiến trẻ nhập viện vì nhiễm lạnh có xu hướng tăng.

Dự báo, những ngày tới, nhiệt độ còn tiếp tục duy trì ở mức thấp, phụ huynh chú ý giữ ấm, tăng cường dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Nhiệt độ xuống thấp, trẻ nhập viện vì nhiễm lạnh

Theo dự báo của của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, trên biển đông liên tếp xuất hiện 2 cơn bão (bão số 15 - tên quốc tế Kaitak và bão số 16 - tên quốc tế Tembin). Cơn bão số 15 đang tác động trực tiếp đến vùng biển phía Tây khu vực Nam biển đông kết hợp với không khí lạnh tăng cường đã tạo ra hiện tượng thời tiết xấu cho khu vực Nam Bộ.

Miền Nam lạnh đột ngột, làm gì để bảo vệ sức khỏe cho trẻ? - Ảnh 1.

Thời tiết bất lợi đang tác động đến sức khỏe cộng đồng đặc biệt là trẻ em.

TP.HCM nói riêng và các tỉnh khu vực Nam Bộ nói chung trời chuyển lạnh, nhiệt độ thấp nhất 18-210C cao nhất 26-290C. Dự báo, từ nay đến cuối tháng 12, những diễn biến của 2 cơn bão và không khó lạnh sẽ khá phức tạp. Thời tiết trở lạnh và sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm xấp xỉ 100C sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ.

Ghi nhận tại các Bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn thành phố cho thấy, gần 1 tuần qua, trẻ đến khám và điều trị nội trú có dấu hiệu gia tăng, trọng tâm là bệnh hô hấp đang ở mức tương đối cao. Ước tính khoảng 1/3 số trẻ đến khám và điều trị có bệnh lý liên quan đến sự thay đổi bất thường của thời tiết.

Bên giường bệnh của con gái gần 3 tuổi đang điều trị tại khoa Hô hấp, chị Mai Thị Tuyết Nhung (32 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) cho hay: Thời tiết những ngày qua lạnh quá, vì điều kiện công việc nên tôi vẫn phải đưa con đi nhà trẻ vào mỗi buổi sáng giữa lúc nhiệt độ đang rất thấp. Khoảng 3 ngày trước, bé có biểu hiện ho, sốt nhẹ, những cơn ho ngày càng nhiều hơn với tiếng ho rất nặng, sau khi khám điều trị ngoại trú không giảm, tôi đưa con vào kiểm tra lại thì bác sĩ đề nghị nhập viện vì bé đã chuyển sang viêm phổi.

Một trường hợp khác là bé Lê Quỳnh Nh. (6 tháng tuổi, ngụ tại Đồng Nai) bị viêm phế quản khá nặng, bệnh viện địa phương phải chuyển tuyến lên TPHCM điều trị. Bà ngoại của bé chia sẻ, các con của tôi đi làm nên tôi đến chăm cháu. Thấy trời trở lạnh, tôi đã cố gắng giữ ấm nhưng bé vẫn ngã bệnh. Ban đầu là nghẹt mũi, sổ mũi rồi đến ho, khó thở, cháu đã điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng không khỏi nên buộc phải chuyển lên tuyến trên.

Phụ huynh cần làm gì để bảo vệ sức khỏe cho các bé?

Thông tin từ TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 21/12 cho hay, khoa đang điều trị 240 bệnh nhi mắc các bệnh lý hô hấp, tất cả các trường hợp nhập viện đều là những ca nặng. Tại khu vực phía Nam, cao điểm của bệnh lý hô hấp trong năm là từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, như quy luật của tự nhiên, cuối tháng 12 thời tiết chuyển lạnh bệnh hô hấp sẽ tăng trở lại.

Miền Nam lạnh đột ngột, làm gì để bảo vệ sức khỏe cho trẻ? - Ảnh 2.

Phụ huynh cần bảo vệ sức khỏe cho con trẻ bằng các biện pháp khoa học, hợp lý.

Nhiệt độ thấp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cả cộng đồng nhưng đối tượng chịu tác động lớn nhất là trẻ nhỏ và người già. Trong đó, trẻ nhỏ thường phải đối mặt với nhóm bệnh hô hấp cấp tính như: viêm hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi; nhóm bệnh dị ứng đường hô hấp gồm: bệnh viêm mũi, viêm xoang, hen suyễn… nếu trẻ không được điều trị kịp thời dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.

Trong điều kiện thời tiết bất lợi, BS Anh Tuấn khuyến cáo phụ huynh cần chú ý giữ gìn sức khỏe cho trẻ bằng các biện pháp giữ ấm vừa đủ và liên tục cho trẻ đặc biệt là các bé dưới 12 tháng tuổi, bé có bệnh bẩm sinh, tránh cho trẻ ra ngoài khi không cần thiết, tránh để trẻ tiếp xúc với đám đông hoặc người đang có biểu hiện bệnh.

Cố gắng cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức khỏe. Những bé được chủng ngừa đầy đủ, có thể giảm được 50% nguy cơ bệnh ở trẻ em do đó phụ huynh cần chủ động chủng ngừa cúm, chủng ngừa phế cầu - vi khuẩn hàng đầu gây nên bệnh hô hấp cấp tính. Khi vệ sinh cơ thể cho trẻ cần chọn nơi kín gió, tắm rửa đến đâu, lau khô đến đó; không nên cho trẻ sưởi ấm bằng than tổ ong vì nguy cơ ngộ độc khí rất cao; để có thể quan sát được nhịp thở, phát hiện những dấu hiệu bất thường phụ huynh nên chọn quần áo thoải mái nhất, giữ đủ ấm cho trẻ tránh mặc quá nhiều lớp đồ chật.

Trường hợp trẻ có những dấu hiệu bất thường như: sốt cao từ 390C, sốt kéo dài từ 2 đến 3 ngày không giảm, co giật, ngủ li bì, nôn ói, bỏ ăn uống, phụ huynh phải đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục