Một số phương pháp chữa nhiệt miệng khỏi tức thì

Theo Báo An ninh Thủ đô, icon
06:00 ngày 20/04/2017

VTV.vn - Vết nhiệt miệng gây ra rất nhiều phiền toái, khiến bạn đau đớn mỗi khi nhai, nói hoặc nuốt thức ăn. Dưới đây là một số cách chữa nhiệt miệng, làm giảm đau và nhanh khỏi.

Nhiệt miệng là nốt tổn thương niêm mạc trong miệng hoặc lưỡi. Nhiệt miệng có thể xảy ra khi một tuyến nước bọt bị tổn thương hoặc bị tắc. Vết nhiệt miệng khi bị vỡ có thể chảy ra dịch màu vàng nhạt. Vết nhiệt càng sâu thì càng lâu lành.

1. Dùng mật ong: Mật ong là một trong những phương pháp tốt nhất để điều trị nhiệt miệng. Tính chất làm dịu và kháng viêm của mật ong giúp giảm đau và sưng tấy. Cách làm: Trộn 1 thìa cà phê mật ong nguyên chất và 1/4 thìa bột nghệ. Sau đó, bôi vào khu vực bị nhiệt miệng và để trong vòng 15 - 20 phút. Cuối cùng súc miệng với nước ấm. Lặp lại 2 - 3 lần/ngày. Bạn cũng có thể bôi mật ong lên chỗ đau trước khi đi ngủ vào buổi tối.

2. Dùng muối: Muối có thể điều trị hiệu quả nhiệt miệng, giúp loại bỏ các chất nhờn ở khu vực tổn thương rất nhanh, đồng thời giảm đau và sưng tấy. Cách làm: Cho 1/2 thìa muối vào một cốc nước ấm để súc miệng 3 - 4 lần/ngày.

3. Dùng đá lạnh: Đá lạnh có thể làm tê liệt cơn đau và giảm kích ứng với vết loét lớn. Cách dùng: Bọc vài viên đá lạnh trong một chiếc khăn mỏng sạch, nhẹ nhàng đặt vào chỗ đau trong 1 phút để giảm đau, lặp lại vài lần mỗi ngày. Hoặc bạn cũng có thể nhấp chút nước lạnh để làm giảm sự khó chịu.

4. Dùng Glycerin: Glycerin có tác dụng khử trùng và chữa bệnh giúp chống lại các vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nó cũng giữ cho vùng tổn thương không bị khô rát nên quá trình khỏi bệnh sẽ diễn ra nhanh hơn. Để sử dụng qua đường miệng, các bạn nên dùng glycerin thực vật. Cách dùng: Bôi glycerin vào vùng bị đau và giữ ở đó lâu nhất có thể sau đó súc miệng, lặp lại 3 - 4 lần/ngày, hoặc dùng nước súc miệng có thành phần glycerin vài lần mỗi ngày.

5. Dùng túi trà: Túi trà chứa axit tannic làm giảm đau và nhanh liền vết thương. Sau khi đã nhúng túi trà vào tách nước, bạn hãy cho nó vào tủ lạnh trong 30 phút. Tiếp theo nhẹ nhàng ấn túi trà ướt vào vùng bị đau từ 10 - 15 phút, lặp lại 2 - 3 lần/ngày tới khi khỏi bệnh.

6. Dùng lô hội: Lô hội có tính chất kháng viêm nên có tác dụng chữa bệnh này và ngăn ngừa bệnh này. Cách dùng: Lấy chất nhầy từ lá lô hội bôi lên khu vực bị đau và để đó trong vòng 20 phút, súc miệng với nước ấm. Thực hiện trong vài ngày, mỗi ngày 2 - 3 lần. Bạn cũng có thể súc miệng bằng nước ép lá lô hội 3 - 4 lần/ngày.

7. Dùng dầu thầu dầu: Loại dầu này có tính chất kháng viêm và giảm đau, sưng, giúp giữ ẩm cho vết thương và ngăn chặn sự khô rát do vết thương gây ra. Cách làm: Trộn một lượng dầu thầu dầu và mật ong đều nhau rồi lấy bông thấm hỗn hợp này bôi vào chỗ đau. Để 10 phút rồi súc miệng bằng nước ấm. Mỗi ngày làm 2 - 3 lần để có kết quả tốt nhất.

8. Dùng rễ cây cam thảo: Loại rễ này sẽ tạo thành một lớp phủ bảo vệ vùng bị tổn thương để ngăn ngừa kích ứng. Cách làm: Cho một thìa bột rễ cam thảo vào 2 tách nước nóng và ngâm trong vài giờ. Sau đó, lọc và dùng làm nước súc miệng vài lần trong ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho bột cam thảo vào chỗ đau vài lần mỗi ngày để nhanh khỏi bệnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục