Mùa lạnh, cảnh giác với bệnh viêm thanh quản

SK&ĐS, icon
03:00 ngày 02/01/2013

 Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi cho bệnh tiến triển và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm thanh quản có hai loại: viêm thanh quản cấp và viêm thanh quản mạn.

Viêm thanh quản cấp

Viêm thanh quản cấp gặp không nhiều, chỉ chiếm khoảng 1,2% số bệnh nhân đến khám tai mũi họng. Bệnh nhân có biểu hiện triệu chứng thay đổi tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh. Viêm thanh quản cấp hay gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn, nam giới chiếm số lượng bệnh nhân đông hơn nữ giới.

Thời tiết thay đổi, đặc biệt là chuyển khí hậu nóng sang lạnh là yếu tố thuận lợi của bệnh viêm thanh quản cấp. Viêm nhiễm có thể lan nhanh từ mũi họng xuống thanh quản hoặc ngược lại.

Qua nghiên cứu người ta phát hiện nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp chủ yếu là do virut: influenza, virut APC, Myxovirus, virut cúm, á cúm…ngoài ra có thể gặp liên cầu ß tan huyết nhóm A, tụ cầu, phế cầu khuẩn…

Triệu chứng của viêm thanh quản cấp: Sốt khởi đầu cho quá trình bệnh nhưng nhiệt độ thường không cao lắm: 38-39˚C. Bệnh nhân than phiền là gai rét, đau mình mẩy giống như bị cúm; cổ họng người bệnh rát bỏng, cảm giác rát đôi khi lan xuống tận vùng trước ngực; kèm theo người bệnh hắt hơi rồi chảy nước mũi trong, sau 2-3 ngày xuất hiện khàn tiếng hoặc mất tiếng; ho húng hắng hoặc ho từng cơn dài, sau cơn ho khàn tiếng càng nặng. Ho lúc đầu khan sau chuyển thành ho có đờm trắng đục, vàng xanh cùng màu của dịch tiết ở mũi lúc này. Bệnh nhân thường không thấy khó thở; khi khám các bác sĩ sẽ thấy hai dây thanh sung huyết đỏ, phù nề, nhiều dịch tiết trên bề mặt dây thanh, khi phát âm hai dây thanh không khép kín.

Diễn biến bệnh: Viêm thanh quản cấp thông thường tự khỏi sau 1 tuần hoặc chỉ cần điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng do nguyên nhân của bệnh đa phần là virut; một số trường hợp do vi khuẩn cần phải sử dụng kháng sinh, chống viêm, giảm ho…; trường hợp đặc biệt nếu không điều trị kịp thời, bệnh chuyển thành viêm khí - phế quản. Lúc này bệnh nhân ho tăng lên tuy khàn tiếng có thể giảm hoặc hết nhưng lại xuất hiện khó thở, thở có tiếng rít, thể trạng bệnh nhân suy yếu dần.

Một số đặc điểm cần lưu ý: Ở trẻ dưới 1 tuổi rất cẩn trọng bởi niêm mạc thanh quản trẻ em rất dễ phù nề đặc biệt là vùng dưới niêm mạc nên hay gặp khó thở, thanh quản nặng, nhất là viêm thanh quản đi kèm với phù nề ở vùng hạ thanh môn gây khó thở dữ dội. Trường hợp này cần được điều trị tại cơ sở tai mũi họng có khả năng mở được khí quản.

Xử trí: viêm thanh quản cấp có 60 - 80% nguyên nhân là do virut vì thế việc sử dụng corticoid liều cao ngắn ngày được coi là có hiệu quả tốt. Bên cạnh đó có thể kết hợp với nhóm chống viêm, giảm phù nề, chống dị ứng.

Giữ ấm, chườm nóng vùng cổ cũng cần thiết. Có thể kết hợp với khí dung họng - thanh quản bằng hỗn hợp dung dịch thuốc kháng sinh, chống viêm, chống phù nề như hydrocortisol, gentamycine,α chymotrypsine.

Hạn chế nói trong 3-5 ngày.

Viêm thanh quản rít

Viêm thanh quản rít còn được gọi là bệnh bạch hầu giả hiệu. Đây là bệnh chỉ thấy ở trẻ em và cơn khó thở xảy ra vào đêm. Nguyên nhân là do viêm nhiễm mũi họng xảy ra trên cơ địa trẻ dễ bị co thắt.

Bệnh xuất hiện ở trẻ từ 2 - 6 tuổi. Trẻ bị chảy mũi, ngạt mũi, ho nhẹ nhưng vẫn ăn chơi bình thường vài hôm. Rồi đột nhiên một hôm vào nửa đêm trẻ khóc thét, cả nhà thức dậy thấy trẻ giãy giụa, ngạt thở, mắt trợn, mặt tím bầm, ho ông ổng. Trẻ có biểu hiện của một khó thở thanh quản điển hình: khó thở chậm thì thở vào kèm theo tiếng rít khi thở vào. Tiếng nói khàn. Cơn khó thở kịch phát ngắn trong 5 - 10 phút sau đó bớt dần, trẻ nằm yên, thở đều đặn, mặt mũi hồng trở lại. Sáng hôm sau trẻ lại chơi đùa như không có bệnh gì. Cơn khó thở đột ngột tái diễn 1-2 lần nữa trong những đêm sau nhưng đều kết thúc tốt.

Khám họng thấy vòm họng có tổ chức VA quá phát, thanh quản đỏ nhẹ, có thể phù nề vùng hạ thanh môn.

Xử trí: trong cơn khó thở nhỏ mũi bằng adrenalin 0,1%, an thần, chườm nóng vùng cổ.

Viêm thanh quản mạn tính

Viêm thanh quản mạn tính là bệnh thường gặp ở một số nghề phải sử dụng giọng như một công cụ lao động: giáo viên, ca sĩ, người bán hàng hoặc trẻ em sử dụng giọng quá mức... Biểu hiện trên lâm sàng chủ yếu là khàn tiếng và nói chóng mệt. Khám thấy niêm mạc dây thanh đỏ nhẹ, có những mạch máu nhỏ chạy dọc theo bờ tự do của hai dây thanh, có thể thấy hình ảnh hạt xơ dây thanh - hậu quả của viêm thanh quản cấp nhiều đợt mà không được điều trị thích hợp.

Để điều trị dùng các thuốc chống viêm, chống phù nề... Người bệnh tập thở bụng thường xuyên để có khả năng sử dụng luồng hơi tối đa từ phổi khi phát âm, luyện cách phát âm dưới sự hướng dẫn của chuyên gia ngôn ngữ...

Nếu có tổn thương thực thể như hạt xơ dây thanh, polýp… thì cần phải phẫu thuật.

Để phòng bệnh không nên ăn quá cay hoặc quá lạnh.

Cùng chuyên mục