Người già lạc quan sẽ ít bệnh tật

Hải Sự - Mai Hạnh, icon
04:37 ngày 11/01/2013

Khi cơ thể đã yếu nếu không có một tâm lý vững vàng sẽ càng làm cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Do đó, người cao tuổi cần trang bị kỹ năng để ứng phó với bệnh tật.

Người già cần trang bị cho mình kỹ năng ứng phó với bệnh tật.

Bà Nguyễn Thành Thoa, Kim Ngưu, Hà Nội đã 75 tuổi và đã chạy thận được hơn 9 năm nay. Ban đầu khi phát hiện ra bệnh bà cũng cảm thấy suy sụp và rất bi quan. Tuy nhiên, sau khi được các bác sĩ tư vấn, bà Thoa đã lạc quan hơn và vui vẻ chung sống với bệnh thận.

Bà Thoa chia sẻ: “Tôi quyết định nếu cứ suy sụp và bi quan gia đình sẽ rất lo lắng, nên bây giờ phải chung sống với bệnh của mình, đồng thời phải quyết tâm và tinh thần luôn thoải mái để gia đình cảm thấy mình không phải là người bệnh trong nhà.”

Đối với ông Nguyễn Văn Thành, Kim Ngưu, Hà Nội, ngay khi nghỉ hưu đã chuẩn bị tâm lý để ứng phó khi sức khỏe giảm sút. Các ứng phó của ông chính là luôn lạc quan và có những suy nghĩ tích cực. Ông tìm những thú vui cho mình và mỗi khi bị ốm đau vẫn luôn cố gắng để giải trí. Ông xác định: Tinh thần phải khỏe thì cơ thể mới khỏe.

“Một là tinh thần, hai là ăn đầy đủ, ba là lao động, đến cái cuối cùng là thuốc. Đừng quá phụ thuộc vào thuốc, đơn giản thế thôi nhưng sẽ ko thực hiện được nếu không có nghị lực", ông Thành cho hay.

Một trong những kỹ năng để ứng phó với bệnh tật khi về già chính là phải luôn giữ được tinh thần lạc quan. Nhiều chuyên gia lão khoa cho rằng: Do tinh thần luôn bi quan mà một số người già dễ mắc bệnh trầm cảm, từ trầm cảm sẽ dẫn đến các bệnh về cơ thể.

Một khi tinh thần không khỏe hay chỉ cần một sự sa sút nhỏ về cơ thể cũng có thể đẩy bệnh tình đến nặng hơn. Vì thế, cần tránh những sang chấn tâm lý lúc tuổi già.

‘ Một tinh thần thoải mái và lạc quan sẽ khiến người già vượt qua bệnh tật( Ảnh: tienphong.vn)

Một lời khuyên mà các chuyên gia lão khoa đưa ra là: Người cao tuổi hãy nói cho con cháu biết tình trạng bệnh của mình, nhưng không nên làm trầm trọng hóa vấn đề. Bởi khi người cao tuổi luôn cảm thấy mình quá ốm yếu thì việc điều trị sẽ không hiệu quả. Thực tế đã có nhiều trường hợp người cao tuổi do trạng thái tinh thần buồn bã, ức chế đã làm cho bệnh tình tăng nặng dẫn đến gây ức chế, phiền muộn cho người thân.

Ngoài sự chăm lo về chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, thư giãn, người cao tuổi nên tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Điều quan trọng khi phát hiện cơ thể có bệnh, người cao tuổi nên hiểu rõ về căn bệnh mình đang mắc phải và lạc quan với phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra.


Cùng chuyên mục