Nhiễm khuẩn bệnh viện - Bệnh nhẹ thành nặng

Báo điện tử Hải Phòng, icon
04:10 ngày 11/08/2016

VTV.vn - Nếu không có sự chung tay của người bệnh lẫn người nhà người bệnh, công tác phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn hết sức khó khăn.

Không chỉ làm tăng chi phí điều trị lên gần gấp 3 lần, tăng tỷ lệ lây nhiễm chéo, nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) còn kéo dài thời gian điều trị lên 2,5 lần. Trong khi đó, công tác phòng, chống NKBV còn nhiều hạn chế. Nếu không có sự chung tay của người bệnh lẫn người nhà người bệnh, công tác phòng ngừa, kiểm soát nhiễm khuẩn hết sức khó khăn.

Khó kiểm soát các yếu tố lây nhiễm

Thấy con sốt li bì cả đêm, chị Nguyễn Thu Thủy, ở phố Văn Cao, quận Ngô Quyền, lập tức đưa con đến Khoa Khám bệnh, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng để khám. Kết quả chẩn đoán cho thấy cháu bị viêm phổi nhẹ. Vì Khoa Hô hấp đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng nên bác sĩ khuyên chị nên cho con điều trị tại nhà với lý do nếu cháu ở lại bệnh viện nguy cơ lây nhiễm chéo có thể xảy ra.

Thời điểm này, nhiều bà mẹ không muốn cho con vào bệnh viện điều trị vì sợ lây chéo bệnh sởi và tiêu chảy. Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Anh, Trưởng Phòng kế hoạch tổng hợp, Trưởng Khoa hô hấp, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng sự tấn công của nhiều loại bệnh giao mùa như cúm, viêm não, viêm đường hô hấp... khiến bệnh viện rơi vào cảnh quá tải trầm trọng, nguy cơ cao NKBV. Việc cách ly cũng như chống lây nhiễm chéo đối với người bệnh rất khó thực hiện. Bởi thế, đối với những người bệnh nhẹ thường được bệnh viện đề nghị xuất viện hoặc chuyển xuống tuyến dưới điều trị, giúp người bệnh, người nhà người bệnh tránh bị nhiễm chéo hoặc mắc loại bệnh khác.

Theo Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp Đoàn Văn Hiển, hiện nay, bệnh viện tiếp nhận, điều trị hàng nghìn ca bệnh mỗi ngày, cộng thêm chừng đó người nhà người bệnh và gần 1.400 cán bộ, nhân viên y tế. Môi trường làm việc đông người, chứa nhiều mầm bệnh nên khá khó khăn trong việc kiểm soát các yếu tố lây nhiễm nguy hiểm.Qua nghiên cứu năm 2015, có 367 trường hợp trên tổng số hơn 2.300 người bệnh tới điều trị tại Khoa Hồi sức ngoại Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp bị NKBV, chiếm tỷ lệ 15,8%. Nguyên nhân chủ yếu gây NKBV là viêm phổi do thở máy (chiếm tỷ lệ 83,99%). Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác, như: viêm phổi bệnh viện, nhiễm khuẩn máu, nhiễm khuẩn tiết niệu, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn dịch màng phổi…Nhiều người bệnh khi vào viện bị NKBV khiến tăng chi phí điều trị lên gần gấp 3 lần, kéo dài thời gian điều trị lên 2,5 lần, bệnh nhẹ thành bệnh nặng.

Không phải việc riêng của bệnh viện 

Theo điều dưỡng trưởng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện trẻ em Hải Phòng Nguyễn Thị Hạnh, nhiều người bệnh hay người nhà thường ít quan tâm đến NKBV. Thậm chí, ở Khoa Cấp cứu sơ sinh, mặc dù nhiều lần bác sĩ, y tá giải thích cho người nhà người bệnh về sự nguy hiểm liên quan đến công tác nhiễm khuẩn do người thân mang đến cho trẻ khi đến thăm, tiếp xúc không đúng quy định, nhưng họ vẫn cứ xông vào phòng cách ly. "Không kể việc vào thăm các cháu kéo theo bụi bẩn ngoài đường, thậm chí không ít người miệng còn mùi bia, rượu, thuốc lá... nhưng cứ đòi vào phòng cách ly. Chưa kể,  nhiều người thân của bệnh nhi bị những bệnh dễ lây như: Viêm gan B, lao... cũng nhất quyết vào thăm. Vì vậy, nếu bệnh viện kiểm soát nhiễm khuẩn tốt mà người bệnh và người nhà thiếu sự hợp tác cũng rất khó" – chị Hạnh bày tỏ.

Bác sĩ Tăng Xuân Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Kiến An khẳng định, nguyên nhân dẫn đến NKBV rất khó kiểm soát là người bệnh đến khám, chữa bệnh không chỉ có một mình, mà thường có người đi cùng để chăm sóc, mang theo đồ đạc. Theo quy định của bệnh viện, người nhà không được sinh hoạt trong khu vực của người bệnh. Tuy nhiên trong thực tế, người ở khu vực ngoại thành thường lén lút ở "ké" với người bệnh. Chỗ ngủ tạm bợ, khi là gốc cây, hành lang, thậm chí ngay dưới chân giường bệnh nên nhiều  người nhà người bệnh là "ổ vi khuẩn". Họ mặc quần áo của bệnh viện ra đường, sau đó trở lại tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sự lan truyền vi khuẩn là điều không thể tránh khỏi.

Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện, muốn kiểm soát NKBV đạt hiệu quả cao, bên cạnh sự nỗ lực của bệnh viện, y, bác sĩ, cần sự chung tay của cả người bệnh và người nhà. Việc cần là các bệnh viện thúc đẩy ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh bệnh viện trong cộng đồng. Theo tiến sĩ Nguyễn Quang Tập, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp, hiện thông qua các buổi họp hội đồng người bệnh, bệnh viện yêu cầu cán bộ khoa kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng trưởng các khoa thường xuyên tư vấn cho người bệnh và người nhà của họ thực hiện quy định giữ gìn vệ sinh chung, giữ thái độ hợp tác với nhân viên y tế trong việc phòng, chống NKBV. Cùng với đó, bệnh viện triển khai hàng loạt các giải pháp chống quá tải, nâng cấp trang thiết bị y tế và điều kiện chăm sóc người bệnh; 100% số cán bộ, nhân viên y tế bệnh viện cam kết rửa tay bằng xà phòng để chống NKBV trong từng khâu.

Cùng chuyên mục