Nhiều bé trai có nguy cơ vô sinh do sự chủ quan của bố mẹ

Theo Công Luân/Người đưa tin, icon
09:55 ngày 31/12/2017

VTV.vn - Nhiều bé trai đã mắc các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục do nhiều nguyên nhân khác nhau, một trong số đó là sự chủ quan của bố mẹ.

Theo thống kê, các bệnh liên quan đến bộ phận sinh dục ở trẻ nam liên quan đến bao quy đầu (hẹp, dính, thắt), tinh hoàn ẩn, lệch lỗ tiểu, thoát vị… ngày càng nhiều. Để giúp phụ huynh sớm phát hiện triệu chứng bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên, ThS.Bác sĩ Phạm Thị Việt Phương - giảng viên bộ môn Y học trường cao đẳng Y Dược Pasteur sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về một số bệnh ở bộ phận sinh dục nam.

Nhiều bé trai có nguy cơ vô sinh do sự chủ quan của bố mẹ - Ảnh 1.

Nhiều cha mẹ chủ quan trong việc vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé trai.

Hỏi: Bệnh ở bộ phận sinh dục có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe sinh sản và cuộc sống của bệnh nhân. Vậy thưa bác sĩ có thể cung cấp một số dạng bệnh thường gặp ở bộ phận sinh dục nam?

Bác sĩ trả lời: Các bệnh thường gặp ở bộ phận sinh dục nam như:

Viêm dính bao quy đầu là tình trạng bao quy đầu của trẻ em dính một phần hay hoàn toàn vào quy đầu dương vật do cặn nước tiểu gây nên. Hậu quả của bệnh là gây chít hẹp bao quy đầu tạm thời hay vĩnh viễn nếu không được xử trí.

Tinh hoàn ẩn: Trong giai đoạn đầu của thai nhi nam, tinh hoàn nằm trong ổ bụng. Sau đó, tinh hoàn di chuyển dần xuống bìu và nằm ở đó cho tới lúc trẻ được sinh ra. Tinh hoàn ẩn là những tinh hoàn dừng lại trên đường di chuyển của tinh hoàn từ bụng xuống bìu trong thời kỳ bào thai.

Đây là khuyết tật về sự phát triển thường gặp nhất ở nam giới. Các thể lâm sàng có thể gặp là tinh hoàn nằm trong ổ bụng, ở lỗ bẹn sâu, trong ống bẹn và ngoài lỗ bẹn nông. Tỷ lệ bị tinh hoàn ẩn gặp ở khoảng 3-4% trẻ khi sinh. Tỷ lệ này sẽ cao hơn ở trẻ đẻ thiếu cân, đẻ non, sinh đôi… Phương pháp điều trị được chấp nhận nhiều nhất là phẫu thuật hạ tinh hoàn.

Lệch lỗ tiểu: Lỗ đái lệch thường là thấp bệnh bẩm sinh hay gặp ở trẻ trai. Vị trí của lỗ tiểu không đổ ra ở đỉnh của quy đầu mà lệch thấp xuống ở thân dương vật hay ở bìu. Thân dương vật ngắn và cong. Bao quy đầu bị thiếu không thể che phủ hoàn toàn quy đầu.

Ở dạng thường gặp, lỗ tiểu đổ ra phần bụng dương vật. Với thể nặng, lỗ tiểu đổ ra rất thấp tại bìu hoặc tầng sinh môn. Thể nặng thường phối hợp với các dị dạng khác như bìu chẻ đôi giống như 2 môi lớn hoặc dương vật nhỏ như âm vật, thậm chí không thấy tinh hoàn ở bìu… khi đó việc nhận biết giới tính cho trẻ rất khó khăn, cần hội chẩn với chuyên gia tiết niệu sinh dục trẻ em để xác định giới tính thật cho trẻ bằng chẩn đoán hình ảnh để xác định tử cung, buồng trứng hay tinh hoàn trong ổ bụng và đôi khi phải nhờ sự trợ giúp của nhiễm sắc thể giới tính.

Thoát vị ở trẻ gồm có 2 loại:

Thoát vị bẹn gián tiếp là loại thoát vị qua lỗ bẹn sâu, bên cạnh động mạch thượng vị. Nguyên nhân là do ống phúc tinh mạc không được đóng kín. Hầu hết thoát vị bẹn ở trẻ em thuộc về loại này. Khối thoát vị sa xuống thông qua ống bẹn hướng về phía bìu hay môi lớn (ở trẻ em).

Thoát vị bẹn hoàn toàn là loại thoát vị bẹn gián tiếp mà phát triển xuống tận bìu. Về giải phẫu trường hợp này tương tự như tràn dịch màng tinh hoàn, có điều ống phúc tinh mạc còn lại rộng hơn nên ruột có thể lên lên xuống xuống trong bao thoát vị.

Hỏi: Vậy, bác sĩ có thể chỉ ra một số triệu chứng, triệu chứng và cách phòng bệnh viêm dính bộ phận sinh dục nam?

Bác sĩ trả lời: Biểu hiện khi trẻ nam có các triệu chứng khi viêm dính bộ phận sinh dục như sau:

- Bao quy đầu dài, lỗ bao quy đầu nhỏ.

- Khi đi tiểu bao quy đầu căng phồng, tia tiểu nhỏ, mạnh.

- Trẻ hay kêu khóc khi đi tiểu.

- Lộn bao quy đầu được 1 phần hay không được: thấy lỗ bao quy đầu nhỏ, hay hẹp khít.

- Trẻ lớn có thể khám thấy có 1 hay nhiều sỏi mềm,trắng, tròn, di động trong bao quy đầu.

- Trẻ hay bị viêm đường tiết niệu: Đái buốt, đái khó… biểu hiện là hay sốt, khóc khi đi tiểu.

- Trẻ lớn hơn: Hay xấu hổ, tự ti trong vệ sinh cùng các bạn đồng giới.

Nguyên nhân:

- Chăm sóc vệ sinh sinh dục cho trẻ em không được quan tâm.

- Do nhiễm khuẩn tiết đường niệu dưới.

- Cha mẹ không hay quan sát, sờ và nắn bìu để phát hiện trẻ có đủ 2 tinh hoàn hay không hay thấy tinh hoàn ở 1 hoặc cả 2 bên. Cha mẹ hãy nắn tại ống bẹn để biết vị trí của tinh hoàn bị ẩn của trẻ. Có 1 số trường hợp tinh hoàn khi ở bìu, lúc lại co lên trên ống bẹn. Và khi khám, bác sĩ bằng động tác dùng tay đẩy tinh hoàn xuống bìu được nhưng khi bỏ tay ra thì tinh hoàn lại bị kéo lên trên cao, ngoài túi bìu.

ThS.BS. Phạm Thị Việt Phương trường cao đẳng Y Dược Pasteur có lời khuyên cho các bậc làm cha mẹ như sau:

- Trẻ nam, nhỏ phải được chăm sóc cơ quan sinh dục ngay sau sinh, lộn và vệ sinh bao quy đầu thường xuyên nếu không sẽ để lại hậu quả, có thể dẫn tới biến chứng cho trẻ như:

- Thắt nghẹt bao quy đầu ở trẻ nam.

- Hẹp bao quy đầu.

- Thắt nghẹt bao quy đầu.

- Trẻ hay bị viêm nhiễm bao quy đầu, nhiễm khuẩn ngược dòng.

- Trẻ thiếu tự tin với các bạn cùng giới.

- Hình thành sỏi cặn ở trong bao quy đầu

- Nguy cơ ung thư dương vật khi trưởng thành.

- Hạn chế phát triển dương vật.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục