Những ca mổ ghép bộ phận cơ thể được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới

Theo Dan tri, icon
07:00 ngày 10/02/2016

VTV.vn - Trong năm 2015, sáu ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ đã trở thành những ca cấy ghép bộ phận cơ thể đầu tiên được thực hiện thành công.

Từ một cậu bé có đôi tay mới đến một người đàn ông được nhận khuôn mặt hoàn toàn mới, phẫu thuật cấy ghép đang chuyển mình và vượt qua những hạn chế của cơ thể con người, đem lại cho bệnh nhân cơ hội nhận lại những bộ phận cơ thể mà trước đó đã từng bị mất đi.

1.Ghép dương vật

Tháng 12 năm 2014, một người đàn ông 21 tuổi đã trở thành bệnh nhân thứ hai được ghép dương vật trên thế giới. Nhưng phải đến tháng 3 năm 2015 bệnh nhân không biết danh tính tại Bệnh viện Tygerberg ở Cape Town, Nam Phi này mới chứng tỏ phẫu thuật đã thành công với kết quả chức năng lâu dài. Bệnh nhân đầu tiên được phẫu thuật là ở Trung Quốc, nhưng hai tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân đã yêu cầu cắt bỏ bộ phận vừa ghép do “thất bại” với vợ.

Theo kíp mổ ở Cape Town thì bản thân ca mổ không phải là quá khó. Chính quá trình phục hồi mới tiềm ẩn nguy cơ thất bại cao. Cho đến nay ca mổ được coi là một " bước đột phá lớn". Người thanh niên, bị mất “của quí” do “sai sót” khi cắt bao quy đầu, cho biết đã phục hồi tất cả các chức năng tiết niệu và sinh sản .

2. Hộp sọ và da đầu

Tháng 5 năm 2015, James Boysen, 55 tuổi, đã được nhận tuyến tụy, thận, da đầu và hộp sọ mới sau nhiều năm chiến đấu với căn bệnh ung thư hiếm gặp có tên là "leiomyosarcoma" và dùng thuốc ức chế miễn dịch. Phương pháp xạ trị được dùng để điều trị ung thư đã phá hủy một phần đầu nơi ung thư ảnh hưởng đến cơ trơn trên da đầu. Bệnh nhân sẽ không thể sống được qua ca môt ghép thận và tụy với vết thương lớn như vậy trên đầu. Điều này khiến cho bác sĩ phẫu thuật tạo hình Jesse Selber tại Trung tâm Ung thư MD Anderson quyết định ghép một phần hộp sọ và da đầu cho bệnh nhân.

Năm ngoái , một phụ nữ Hà Lan đã được ghép hộp sọ chất dẻo in 3D, nhưng Boysen là người đầu tiên trên thế giới được nhận bộ phận ghép từ người. Ca mổ đã được lên kế hoạch từ gần bốn năm trước, nhưng bác sĩ đã phải mất một thời gian để tìm được người cho phù hợp. Ca mổ kéo dài 15 giờ đã mang lại cho Boysen khả năng cảm nhận xúc giác, đau, và cảm nhận nhiệt độ với độ chính xác đáng kinh ngạc .

3. Ghép 2 tay một lúc cho bệnh nhi

Tháng Bảy năm 2015, cậu bé Zion Harvey, 8 tuổi, ở Philadelphia đã trải qua ca mổ kéo dài 11 tiếng đồng hồ mà sẽ mang lại cho em hai bàn tay mới . Sau khi mất cả hai bàn tay, bàn chân, và hai quả thận ở tuổi lên 2 do một bệnh nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng, mẹ của Zion đã quyết định cho con trai thực hiện ca phẫu thuật lần đầu tiên được tiến hành tại Đại học Pennsylvania, thứ có thể mang lại cho cậu bé một đôi tay thực sự . Cô đã tìm hiểu và biết rằng Zion là ứng cử viên hoàn hảo vì cậu bé vẫn đang dùng thuốc chống thải ghép cho quả thận được nhận từ mẹ mình . Các thuốc này sẽ giúp cơ thể cậu bé tiếp nhận đôi tay mới mà không bị thải ghép.

Việc bệnh nhân là một đứa trẻ khiến ca mổ trở nên phức tạp hơn nhiều vì các bác sĩ trước tiên phải nối các mạch máu , sau đó là xương , dây thần kinh , cơ , và da trong khi vẫn luôn nhớ rằng cậu bé sẽ lớn lên với đôi tay tương xứng theo kích thước cơ thể. Cậu bé còn phải trải qua nhiều tháng phục hồi chức năng nhưng cho đến nay đã có thể cầm sách, cào lên mặt mình, và bắt tay những người khác.

4. Ghép toàn bộ mặt

Tháng Chín năm 2001, nhân viên cứu hỏa tình nguyện Pat Hardison, 41 tuổi, cha của ba đứa con, nhận cuộc gọi đi làm nhiệm vụ ở thị trấn quê nhà Sentaobia, bang Mississippi. Sau khi Hardison và nhóm của mình lao vào ngôi nhà đang cháy, trần nhà đã đổ sấp vào người ông. Mặt nạ phòng hộ của ông chảy ra trên mặt, và sau 63 ngày nằm viện, ông đã bị mất toàn bộ mặt, da đầu, tai, mi mắt, mũi và môi. Gần 70 cuộc phẫu thuật trong suốt 10 năm qua đã không thể giúp ông khôi phục lại diện mạo.

Tháng Bảy năm 2015, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình mới của Hardison - TS Eduardo Rodriguez đã tìm thấy người hiến tặng phù hợp có cùng màu da, màu tóc và nhóm máu . Trong tháng tiếp đó Hardison đã trải qua ca mổ kéo dài 26 giờ, khiến ông trở thành bệnh nhân đầu tiên trên thế giới được ghép toàn bộ mặt và mang lại cho ông sự tự tin để tái hòa nhập cộng đồng. Dự kiến ông sẽ hoàn toàn phục hồi cử động cơ mặt và giọng nói trong vòng một năm .

5. Tim nhân tạo tí hon

Tháng Ba năm 2015, Nemah Kahala, một phụ nữ 44 tuổi nhỏ nhắn và là mẹ của năm đứa con, đã trở thành bệnh nhân cấy tim nhân tạo kích thước nhỏ đầu tiên. Sau khi bị bệnh cơ tim hạn chế, Kahala phải dùng thiết bị hỗ trợ sự sống và được phê chuẩn thiết bị cấy ghép thử nghiệm dùng cho trường hợp khẩn cấp một lần. Ngay lập tức cô đã nhận được dòng máu giúp các cơ quan trong cơ thể phục hồi và ổn định tình trạng đủ để được đưa vào danh sách chờ ghép.

Một tuần sau đó, cô đã tìm được người hiến tạng phù hợp và có thể thay thế trái tim nhân tạo đã giúp cô cầm cự đủ lâu để nhận được trái tim thật sự. Cho đến nay, đã có tám ca cấy ghép bởi SynCardia Total Artificial Hearts, nhưng Kahala là người đầu tiên được cấy thiết bị tim nhân tạo kích thước nhỏ vẫn đang được FDA Mỹ nghiên cứu về độ an toàn.

6. Ghép tử cung từ người hiến đã chết

Tháng 11/2015, một nhóm bác sĩ phẫu thuật tại Bệnh viện Cleveland thông báo họ hy vọng sẽ trở thành kíp mổ đầu tiên thực hiện ghép tử cung lấy từ người cho đã chết cho bệnh nhân nữ không có tử cung. Ca mổ ghép tử cung đầu tiên đã được tiến hành thành công từ một năm trước với tử cung lấy từ người hiến còn sống ở Thụy Điển. Tuy nhiên, Bệnh viện Cleveland đã quyết định tránh không để những phụ nữ khỏe mạnh gặp phải nguy cơ khi hiến tử cung.

Chỉ sau khi có 10 trứng của mình được thụ tinh bởi tinh trùng của bạn đời thông qua thụ tinh trong ống nghiệm và sau đó được đông lạnh, thì người phụ nữ mới có thể được đưa vào danh sách chờ ghép. Sau một năm sống chung với một tử cung cấy ghép, phôi sẽ được chuyển vào một thời điểm nào đó cho đến khi bệnh nhân mang thai. Hiện nay, bệnh viện dự kiến có khoảng 50.000 phụ nữ ở Mỹ là ứng viên tiềm năng cho thủ thuật này.

Cùng chuyên mục