Những lưu ý khi phụ nữ chuyển dạ và sinh con

Tuấn Bảo, icon
09:52 ngày 24/04/2018

VTV.vn - Những tuần cuối của thai kỳ là khoảng thời gian vừa lo lắng, vừa thú vị cho các bậc cha mẹ, nhất là những người đang chờ đón đứa con đầu tiên.

Hình minh họa

Các bà mẹ thậm chí cảm thấy mất kiên nhẫn với việc mang thai và nóng lòng chờ em bé chào đời. Các ông bố thường sẽ lo lắng làm sao cho mẹ tròn con vuông.

Trong khi có vẻ như người mẹ đang gánh tất cả công việc khó khăn, thì ông bố lại có trách nhiệm không nhỏ. Đây là thời điểm quan trọng để vợ chồng bạn hỗ trợ lẫn nhau và khám phá những điều đáng mong đợi khi khoảnh khắc chuyển dạ đến.

Bác sĩ Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam có hướng dẫn về giai đoạn đầu của chuyển dạ và những lý thú cũng như việc cần phải làm để chào đón em bé chào đời dưới đây:

Chuyển dạ sớm

Chuyển dạ là một quá trình đón nhận, đưa em bé từ trong tử cung đến với thế giới bên ngoài. Chuyển dạ không bắt đầu một cách bất ngờ hay đột ngột như những gì bạn xem trên tivi, mà sẽ trải qua những giai đoạn khác nhau.

Chuyển dạ sớm là giai đoạn đầu tiên của quá trình chuyển dạ, bắt đầu từ khi các cơn co thắt diễn ra đều đặn và cổ tử cung bắt đầu dãn dần ra và mở rộng hơn. Cảm giác khi chuyển dạ sớm ở mỗi bà mẹ không giống nhau. Tuy nhiên, hầu hết chuyển dạ sớm thường bắt đầu với các cơn co thắt xảy ra cách nhau khoảng 10 phút, sau đó, các cơn co thắt sẽ dày hơn, có thể xảy ra cách nhau 5 phút khi bạn sắp kết thúc giai đoạn chuyển dạ sớm.

Chuyển dạ sớm kéo dài bao lâu?

Thời gian chuyển dạ sớm rất khác nhau tùy theo mỗi phụ nữ, có thể chỉ 1 vài giờ nhưng có thể kéo dài hàng ngày. Thời gian chuyển dạ sớm phụ thuộc vào việc đây là lần sinh con so hay con dạ, vào độ tuổi của bạn và phụ thuộc chủ yếu vào độ mở cổ tử cung khi bắt đầu chuyển dạ và tần suất, mức độ các cơn co thắt của tử cung.

Với nhiều phụ nữ, chuyển dạ sớm tương đối dễ chịu với việc thỉnh thoảng có các cơn co thắt và đau nhẹ, nên vẫn có thể tiếp tục các hoạt động thường ngày. Bạn có thể đi lại nhẹ nhàng, tiếp tục nấu bếp hay thư giãn, trò chuyện.

Với các ông bố, lúc này nên giúp đỡ vợ cảm thấy thoải mái hơn bằng việc massage nhẹ nhàng hoặc chườm ấm vùng lưng dưới. Bạn cũng có thể cùng với vợ làm một vài việc để "đánh lạc hướng" vợ mình, giúp nàng thấy thư giãn hơn như chơi bài, nghe nhạc nhẹ hay đi dạo trong công viên, hoặc nấu vài món ăn yêu thích.

Tuy nhiên, trong khi thư giãn, bạn cần chú ý theo dõi các dấu hiệu sau đây vì sự xuất hiện của 5 biểu hiện này đánh dấu sự kết thúc giai đoạn chuyển dạ sớm, để bước vào giai đoạn chuyển dạ chính thức.

Dấu hiệu chuyển dạ (sinh con)

Cổ tử cung mềm và mỏng: khi cơn chuyển dạ thực sự bắt đầu, cổ tử cung của người mẹ sẽ mềm và mỏng hơn. Điều này được gọi là giãn nở, nhưng bản thân người mẹ sẽ không thể phát hiện sự thay đổi này. Bác sĩ sẽ kiểm tra dấu hiệu của sự giãn nở cổ tử cung bằng cách thăm khám âm đạo người mẹ.

Cổ tử cung mở ra: khi bắt đầu chuyển dạ, cổ tử cung của người mẹ sẽ bắt đầu mở ra khoảng 2- 3 cm.

Ra dịch hồng ở âm đạo: Các bà mẹ có thể nhận thấy chất nhầy tiết ra ở âm đạo. Chất nhầy này có thể loãng hoặc đặc, có màu hơi hồng hồng hoặc màu nâu và đôi khi lẫn những giọt máu hoặc vệt máu đỏ. Bạn hoàn toàn yên tâm vì đây là nút chất nhầy chặn ở cổ tử cung để tránh vi khuẩn xâm nhập vào tử cung khi mang thai, giúp bảo vệ em bé trong bụng bạn. Khi chất nhầy này được tiết ra, có nghĩa là cổ tử cung đã bắt đầu giãn nở và mềm mỏng hơn, và bạn bắt đầu bước vào quá trình chuyển dạ rồi đấy.

Vỡ ối: trong tử cung, em bé được bao bọc và sống trong một túi nước ối - một cái túi chứa đầy chất lỏng là nước ối. Vỡ ối là tình trạng nước ối chảy ra từ âm đạo của bà mẹ, có thể chỉ rất ít ( rỉ ối) hoặc rất nhiều, ồ ạt (vỡ ối). Túi nước ối rò rỉ hoặc vỡ chính là dấu hiệu đánh dấu quá trình chuyển dạ bắt đầu. Túi nước ối vỡ càng lâu, càng dễ bị nhiễm khuẩn, hoặc làm quá trình sinh nở khó khăn hơn. Vì vậy, nếu bạn thấy mình bắt đầu rỉ ối hoặc vỡ ối, cách tốt nhất là hãy đến bệnh viện ngay vì có thể bạn sắp sinh rồi.

Co thắt tử cung: Các cơn co thắt cở tử cung đến một cách thường xuyên hơn và mạnh hơn đồng nghĩa với việc bạn bắt đầu chuyển dạ thực sự. Lúc này, ông bố có thể giúp tính thời gian các cơn co thắt, như khoảng cách giữa 2 lần co thắt, thời gian mỗi lần co thắt. Hầu hết bà mẹ có thể sẽ cảm thấy các cơn đau chuyển dạ bắt đầu ở phía trên bụng sau đó lan ra hết phần lưng và bụng dưới. Nếu cơn đau chỉ tập trung ở bụng dưới hoặc dễ dàng hết đi khi bạn thay đổi tư thế, thì đó có thể là chuyển dạ giả.

Bạn cần phải làm gì?

Cách tốt nhất là theo dõi liên tục các biểu hiện của cơn chuyển dạ như đã kể ở trên, để biết được cơn chuyển dạ đó là thật sự hay chỉ là cơn chuyển dạ giả. Bạn có thể tiếp tục thư giãn tại nhà nếu đó là cơn chuyển dạ giả. Nhưng nếu bạn nhận thấy đó là chuyển dạ thật sự, hãy đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Trong giai đoạn sớm của chuyển dạ, bạn có thể vẫn ở nhà, làm các công việc bình thường và tranh thủ nghỉ ngơi, thư giãn càng nhiều càng tốt vì bạn sẽ cần đến rất nhiều sức lực cho cơn chuyển dạ thực sự sắp đến.

Vợ chồng bạn hãy cùng nhau theo dõi 5 dấu hiệu được kể đến ở trên để biết khi nào chuyển dạ sẽ thực sự bắt đầu. Những việc bạn cần làm là:

- Theo dõi các cơn co thắt: thời điểm các cơn co thắt trở nên nhiều hơn? thời gian giữa các cơn co thắt là bao nhiêu? độ dài mỗi cơn co thắt là bao nhiêu? mức độ đau thế nào, có tăng dần lên hay không? cơn đau có giảm đi khi thay đổi tư thế hay không?

- Chú ý đến dịch âm đạo: theo dõi màu sắc của dịch âm đạo, xem có màu hồng, nâu hay lẫn máu hay không?.

- Theo dõi nước ối chảy ra từ âm đạo: số lượng, mầu sắc của nước ối: nhiều hay ít, rỉ ối hay vỡ ối.

Nếu bạn có băn khoăn về quá trình chuyển dạ, các dấu hiệu chỉ báo cũng như không biết khi nào mình nên đến viện, hãy đừng ngại gọi cho bác sĩ để xin lời khuyên tốt nhất.

Các chuyên gia sản khoa luôn khuyên bạn theo dõi kỹ các dấu hiệu của chuyển dạ. Khi bắt đầu có những dấu hiệu chuyển dạ thật sự, hãy đến bệnh viện để các bác sĩ theo dõi quá trình sinh nở và đảm bảo an toàn cho cả bạn và em bé của bạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục