Phát hiện cơ chế gen giúp điều trị vết thương khó lành

Hữu Hưng, icon
03:39 ngày 08/04/2013

Các nhà khoa học tại Viện Y sinh học thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu Singapore đã phát hiện ra một phân tử có chức năng đóng mở tiến trình dịch chuyển của các tế bào da và từ đó có thể làm liền vết thương.

Phát hiện này đặc biệt có ý nghĩa đối với người bị đái tháo đường và những người bệnh có các vết thương khó lành hoặc mất nhiều năm mới có thể lành. Nhóm phóng viên thường trú THVN tại Singapore thông tin thêm về phát hiện này.

Tiến sĩ Prabha Sampath và nhóm nghiên cứu tại Viện Y Sinh học (Singapore) đã phát hiện ra một phân tử siêu nhỏ được đặt tên là microRNA-198. Phân tử này kiểm soát các tiến trình giúp làm liền vết thương. Khi người khoẻ mạnh thì cơ thể sản sinh ra các phân tử RNA ở da khiến các tế bào da ổn định. Khi da bị tổn thương, quá trình sản xuất phân tử RNA nhanh chóng ngừng lại và mật độ RNA giảm xuống, làm khởi động các tiến trình chữa lành vết thương.

Tiến sĩ Prabha Sampath, Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Y Sinh học thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (Singapore) cho biết: “Khi chúng tôi nhìn vào vết thương của bệnh nhân đái tháo đường, chúng tôi nhận thấy mức độ tập trung cao của các phân tử RNA và không có loại protein để làm lành vết thương. Điều này đưa chúng tôi đến một kết luận rằng phân tử RNA đã chặn lại việc dịch chuyển tế bào, và thể hiện rõ ràng việc phân tử RNA đóng vai trò ngăn chặn tiến trình làm lành vết thương”.

Số liệu từ Hiệp hội người đái tháo đường Singapore cho thấy các vết thương khó lành ở người bị đái tháo đường là một gánh nặng y tế lớn trên toàn cầu và là nguyên nhân chính dẫn đến việc cắt cụt các chi dưới. Riêng tại Singapore, đái tháo đường là một trong 5 bệnh phổ biến nhất và cứ 9 người trong độ tuổi từ 18 đến 69 thì lại có 1 người bị đái tháo đường.

Các vết thương khó lành cũng xảy ra ở những người bệnh gắn liền với xe đẩy hoặc nằm liệt giường. Phát hiện của các nhà khoa học Singapore sẽ mở ra hướng điều trị mới.

Tiến sĩ Prabha Sampath, Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện Y Sinh học thuộc Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (Singapore) chia sẻ: “Rõ ràng cơ chế kích hoạt tiến trình làm liền vết thương đã bị hỏng ở những vết thương khó liền. Chúng tôi sẽ nghiên cứu làm thế nào tạo ra mô-đun kích hoạt tiến trình này và có thể phát triển ra một chiến lược điều trị bệnh mới để điều trị các vết thương khó lành”.

Nhóm nghiên cứu cho biết là đến nay đã có một số công ty dược tỏ ý quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm từ nghiên cứu này. Và một khi điều này thành hiện thực thì ước tính trong vòng từ 2 đến 3 năm tới, những sản phẩm đầu tiên như là băng hay kem điều trị vết thương sẽ được phát triển và đưa vào ứng dụng thực tế. Và sản phẩm này sẽ giúp cho những người bị thương tổn kéo dài, đặc biệt người bị tiểu đường có thể chữa lành vết thương nhanh chóng hơn.

Cùng chuyên mục