Phòng chống và điều trị bệnh thoái hóa khớp

VTV2, icon
06:00 ngày 07/03/2016

VTV.vn - PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Thủy (bệnh viện Bạch Mai) đã đưa ra những tư vấn hữu ích về cách phòng chống và các phương pháp điều trị bệnh thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp (còn gọi là viêm xương khớp do thoái hóa) là tình trạng tổn thương sụn, xương dưới sụn và giảm thiếu chất lượng dịch khớp, gây đau và cứng khớp. Bệnh thường có dấu hiệu trầm trọng hơn khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào thời điểm giao mùa.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi của nhiệt độ, độ ẩm sẽ dẫn đến sự thay đổi của các yếu tố khác bên trong cơ thể như đột nhớt của máu, độ nhờn của dịch khớp, sự kết tủa của các muối, thay đổi nồng độ của các chất trung gian trong cơ thể, thay đổi vận mạch làm xuất hiện các cơn đau khớp với tần suất tăng nặng. Lúc này, lớp sụn khớp bị bào mòn, trơ ra đầu xương lồi lõm khiến các dây thần kinh nhạy cảm bị cọ xát, gây nên các cơn đau khớp dữ dội khi vận động. Ngoài ra, khi thời tiết thay đổi, sức đề kháng của cơ thể cũng bị suy giảm, các yếu tố gây bệnh gia tăng khiến bệnh thoái hóa khớp tiến triển nặng hơn.

Bệnh thoái hóa khớp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở người trên 40 tuổi, nhất là người ở lứa tuổi 60. Tuy nhiên, bệnh dang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân mắc bệnh chủ yếu do lười vận động và làm việc quá sức, sai tư thế trong một thời gian dài, hoặc biến dạng khớp bẩm sinh. Khi quá trình thoái hóa khớp tăng dần lên, sụn khớp bị bào mòn, không được dịch nhờn bôi trơn, kèm theo các tổn thương dưới sụn làm xương dày lên, khe khớp hẹp lại, khớp biến dạng, cuối cùng là bệnh nhân không đi lại được.

PGS.TS.BS. Vũ Thị Thanh Thủy - nguyên Trưởng khoa Cơ Xương Khớp, bệnh viện Bạch Mai - cho biết, tổ chức xương dưới sụn và sụn khớp là bộ phận rất quan trọng của khớp, muốn vận động tốt, tổ chức xương dưới sụn và sụn khớp phải hoạt động trôi chảy. Khi bị thoái hóa khớp, có nhiều phương pháp điều trị. Với phương pháp điều trị không dùng thuốc, người bệnh có thể được vật lý trị liệu, chườm nóng, chiếu tia hồng ngoại hoặc luyện tập nhẹ nhàng. Trong phương pháp điều trị dùng thuốc, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng các loại thuốc để giảm đau, kháng viêm, thuốc điều trị thoái hóa tác dụng chậm hỗ trợ bổ sung ức chế gây thoái hóa khớp, hủy sụn khớp và xương dưới sụn. Ngoài ra, có thể cấy tế bào gốc, tiêm huyết thanh giảm tiểu cầu để kích thích sản sinh dịch sụn khớp.

Để phòng chống bệnh thoái hóa khớp, người dân có thể tập luyện thường xuyên như đi bộ nhẹ nhàng khoảng 30 phút, đi xe đạp, tập thể dục nhẹ hàng ngày (tốt nhất là tập bơi), thay đổi thói quen sinh hoạt, bồi dưỡng cơ thể để tăng sức đề kháng, giảm trọng lượng cơ thể, thay đổi chế độ ăn uống (ăn nhiều cá, hạn chế chất béo, chất đường, bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả, các loại vitamin).

Khoa học hiện đại đã chứng minh, muốn làm chậm quá trình thoái hóa khớp, giúp giảm đau an toàn cho người bệnh, cần chú trọng bảo vệ hai yếu tố quan trọng là sụn và xương dưới sụn bằng các hoạt chất sinh học thiên nhiên đã được chứng minh tác dụng.

* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục