Phòng và điều trị sốt xuất huyết có hiệu quả tại Đà Nẵng

Phương Anh, icon
08:23 ngày 21/12/2013

Nhờ tập trung tăng cường và đẩy mạnh công tác phòng chống sốt xuất huyết trong cộng đồng, không để dịch bệnh lây lan, tính đến thời điểm hiện tại TP Đà Nẵng đã giảm đáng kể số ca mắc bệnh sốt xuất huyết.

Trong năm 2013, sự xuất hiện hàng loạt cơn bão và lũ lớn đã khiến tình hình dịch bệnh ở miền Trung diễn biến cũng phức tạp, có nguy cơ bùng phát mạnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết. TP Đà Nẵng là địa phương được xác định là vùng lưu hành bệnh sốt xuất huyết vào loại A, có nghĩa là nguy cơ mắc dịch khá cao. Hiện tại, số ca mắc sốt xuất huyết tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn thành phố đã tăng cao 1,7 - 1,8 lần so với năm 2012.

Thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng nhiều năm qua chưa xảy ra dịch sốt xuất huyết, vậy nhưng sau lũ, tại đây đã có trường hợp mắc bệnh.

‘ Ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết được nâng cao trong cộng đồng đã khiến số ca mắc bệnh giảm đi đáng kể. (Ảnh minh họa)

Ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu bùng phát sốt xuất huyết, ngành y tế cùng chính quyền địa phương cũng đã triển khai hàng loạt biện pháp để hướng dẫn người dân ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Điều tra tình hình dịch bệnh, xử lý môi trường là phương thức đầu tiên được ngành y tế áp dụng khi phát hiện ổ dịch. Tuy nhiên, cách thức này mới chỉ giải quyết phần ngọn, trong khi phần gốc phụ thuộc vào sự phối hợp của người dân và chính quyền địa phương.

Từ đầu năm đến nay, TP Đà Nẵng đã có 1.894 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 2 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Đáng lưu ý là dịch sốt xuất huyết năm 2013 không chỉ tập trung vào mùa mưa mà diễn ra quanh năm. Một trong những nguyên nhân chính là do từ cuối năm 2012, dịch sốt xuất huyết diễn biến khá phức tạp và kéo dài sang đầu năm 2013. Tuy nhiên hiện tại, qua xử lý và khống chế, số người mắc sốt xuất huyết 8 tuần trở lại đây đã giảm.

Sốt xuất huyết là bệnh có thể phòng và chữa được, nhưng do người dân chủ quan trong việc phòng và điều trị, lại phát hiện bệnh chậm nên dễ dẫn đến tử vong. Dịch sốt xuất huyết hiện chưa có thuốc đặc trị, cũng chưa có vaccine phòng ngừa, việc xử lý hóa chất chỉ là phương án tạm thời nên không diệt hết mầm bệnh. Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, ngoài các giải pháp đồng bộ mà ngành y tế triển khai, chính nhận thức và kỹ năng phòng bệnh của người dân là yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng.


Cùng chuyên mục