Quảng Ninh: Gia tăng số trẻ nhập viện do đuối nước

Lê Thạch, icon
11:00 ngày 24/05/2018

VTV.vn - Thời tiết nắng nóng, trẻ đi bơi nhiều. Đây cũng là thời điểm xuất hiện nhiều ca đuối nước nhập viện.

Trẻ đuối nước đang được theo dõi và điều trị tích cực tại bệnh viện.

Tính trong nửa đầu tháng 5/2018, Khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận 4 trường hợp trẻ nhập viện do đuối nước. Trong đó, 1 trường hợp tử vong do nhập viện muộn. Những trường hợp còn lại nhờ được sơ cứu ban đầu tốt và nhập viện điều trị kịp thời đã bình phục, da hồng hào, tự thở và ăn uống, đi lại tốt. 

Theo các bác sĩ, việc sơ cứu ban đầu có vai trò rất quan trọng đối với các trẻ bị đuối nước.

Điển hình như trường hợp đuối nước gần đây của cháu K.M.A. (5 tuổi, trú tại Uông Bí, Quảng Ninh). Theo người nhà trẻ cho biết, ngày 19/5, trong lúc vui chơi tại bể bơi gần nhà, không may trẻ bị trượt chân xuống bể bơi. Một lúc sau không thấy trẻ, gia đình vội vàng đi tìm và thấy trẻ đang nổi trên mặt nước trong tình trạng tím tái và ngừng thở.

Ngay lập tức trẻ được sơ cứu ban đầu bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim. Sau khoảng 5 phút, trẻ có nhịp thở, nhịp tim và nôn ra nước và thức ăn. 30 phút sau trẻ được đưa tới Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí để cấp cứu. Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực, cho trẻ thở oxy, điều chỉnh các rối loạn ( khí máu, điện giải…) và sử dụng kháng sinh tránh viêm phổi cho trẻ. Nhờ được sơ cứu kịp thời và đưa tới viện nhanh chóng, hiện tại sức khỏe trẻ ổn định và ăn uống bình thường.

Không may mắn như trường hợp cháu K.M.A. Trước đó, ngày 5/5, bệnh viện có tiếp nhận cháu P.V.H. (13 tuổi, trú tại Sông Khoai, Quảng Yên, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng hôn mê, tím tái, ngừng thở, nhịp tim rời rạc. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích nhưng trẻ không qua khỏi. Một trong những nguyên nhân là do cháu không được sơ cứu ban đầu kịp thời.

Do vậy để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em do đuối nước, việc nâng cao ý thức cảnh giác của những người chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ là điều vô cùng cần thiết. Với các trẻ ở độ tuổi nhỏ vẫn cần người lớn trông nom, các bậc phụ huynh cần chú ý để mắt giữ trẻ, không để trẻ chơi gần ao, hồ, kênh, mương. Các loại thau, chậu, dụng cụ đựng nước trong nhà cần được đậy kín…

Với nhóm trẻ lớn, đặc biệt là các bé trai hiếu động, gia đình và nhà trường, ngoài việc giáo dục ý thức tự bảo vệ khỏi các hoạt động mạo hiểm. Trẻ cần được tập huấn các kỹ năng bơi và sơ cứu cơ bản trong trường hợp không có sự giúp đỡ của người lớn. Tại các hồ bơi cần có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp.

Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, cần đưa ngay trẻ ra khỏi môi trường nước, đồng thời tiến hành sơ cứu ban đầu cho trẻ và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất.

Đặt trẻ nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí.

Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực.

Nếu lồng ngực không di động tức là trẻ đã ngưng thở hoặc sau 10 giây không thấy nhịp thở thì tiến hành thổi ngạt, nếu trẻ hôn mê, tím tái hoặc không bắt được mạch bẹn cần ép tim ngoài lồng ngực.

Đặc biệt chú ý, việc ép tim ngoài lồng ngực cần tiền hành cẩn thận và phải do người biết cách sơ cứu, bởi khi tiến hành rất dễ khiến trẻ bị gãy xương sườn gây nguy hiểm cho trẻ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục