Quảng Ninh: Mô hình "Gây mê an toàn - Không nước mắt"

Vũ Nhi, icon
07:48 ngày 11/04/2018

VTV.vn - Gây mê tưởng như là một việc rất đơn giản nhưng thực sự là kỹ thuật vô cùng khó và đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức sâu rộng, về giải phẫu sinh lý não, hô hấp...

Bác sĩ gây mê sẽ làm quen với trẻ để mang lại cho trẻ cảm giác thân quen

Trong đó, việc gây mê cho trẻ em lại càng phức tạp. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, việc tính liều thuốc phải thật chính xác, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, thể trạng, khả năng đáp ứng thuốc... Họ thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn và không ít áp lực khi bước vào một ca mổ.

Phẫu thuật gây mê hồi sức nhi có thể gây ra những sang chấn về tâm lý, cảm xúc nặng nề cho cả cha mẹ và trẻ em. Nắm bắt được tâm lý đó, Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã triển khai mô hình "Gây mê an toàn, không nước mắt".

Quảng Ninh: Mô hình Gây mê an toàn - Không nước mắt - Ảnh 1.

Chị Dương Thị G. cùng con trai vui chơi trước khi vào phòng phẫu thuật

Mô hình "Gây mê an toàn, không nước mắt" được chia làm 3 giai đoạn: trước phẫu thuật, trong phẫu thuật và sau phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật 1 ngày bác sĩ gây mê sẽ gặp gỡ làm quen với bé, thăm khám lâm sàng và giải thích với bố mẹ trẻ về các vấn đề liên quan đến phẫu thuật.

Để mang lại cảm giác thoái mái nhất cho trẻ trước khi bước vào phẫu thuật, bệnh viện đã tiến hành bố trí một khu vui chơi dành riêng cho trẻ. Trẻ sẽ được cùng bố mẹ vui chơi với nhiều đồ chơi, truyện, sách và làm quen với bác sĩ gây mê. Bố mẹ sẽ được thay quần áo theo quy định và cùng trẻ tham gia quá trình khởi mê cùng các bác sĩ tại phòng mổ.

Khác biệt với việc gây mê khi phẫu thuật cho người lớn, ở bệnh nhi sẽ được khởi mê hoàn toàn bằng thuốc mê hơi, trẻ không phải trải qua một đau đớn nào dù chỉ là một mũi tiêm. Bố mẹ của trẻ được được đồng hành cùng trẻ trong toàn bộ quá trình khởi mê đến khi trẻ nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ.

Bởi trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm với nhiều nỗi lo sợ, đặc biệt là nỗi lo sợ với môi trường mới, người lạ và bị tách khỏi ba mẹ. Việc ba mẹ bệnh nhi tham gia vào quá trình khởi mê là 1 bước tiến đổi mới, giúp trẻ có tâm lý tốt hơn khi vào phòng mổ và điều đó cũng tạo được sự tin tưởng, an tâm ở chính ba mẹ trẻ.

Kết thúc cuộc phẫu thuật,trẻ được chuyển đến phòng hồi tỉnh.Tại đây bố mẹ trẻ sẽ được vào tham gia thoát mê cùng các nhân viên y tế. Khi trẻ dần tỉnh lại người đầu tiên trẻ nhìn thấy là bố mẹ.

Từ khi bắt đầu triển khai mô hình "Gây mê an toàn, không nước mắt" Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía bệnh nhi và người nhà bệnh nhi. Không còn cảnh trẻ khóc lóc, đòi bố mẹ trước khi vào phỏng mổ, bố mẹ bệnh nhi không còn cảnh lo lắng bởi gần như tất cả đã có sự sát cánh, tiếp sức từ bố mẹ.

Chị lại Thị Thanh H. (trú tại Khu 5, Quang Trung, Uông Bí, Quảng Ninh) có con vừa trải qua cuộc phẫu thuật nạo VA chia sẻ : " Từ khi cháu vào viện đến giờ, các bác sĩ ở đây rất ân cần, nhiệt tình, tôi cảm thấy rất yên tâm. Đặc biệt là ngày hôm nay, tôi được cùng con vào phòng mổ, bên cạnh con trong ngày con phẫu thuật,tôi không còn thấy lo lắng như trước nữa. Con gái tôi vừa mổ xong mà cháu rất thoải mái, được cô bác sĩ tặng giấy khen nên cháu còn rất vui, tôi mong muốn bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa."

Cùng trải qua cuộc phẫu thuật với con trai 7 tuổi, chị Dương Thị G. (trú tại khu 8, Quảng Yên, Quảng Ninh) trải qua ca phẫu thuật áp xe ở cổ. Chị cho biết: Cứ nghĩ đến khi cháu chuẩn bị vào phẫu thuật sẽ khóc lóc nhưng được mẹ chơi đùa và đưa vào phòng phẫu thuật cháu vui vẻ hơn và không hề khóc.

Việc triển khai và áp dụng mô hình Gây mê an toàn, không nước mắt cho trẻ đã được Khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức tiến hành từ năm 2016. Với việc áp dụng này, khoa đã tiến hành gây mê phẫu thuật thành công rất nhiều ca bệnh khó cho các bệnh nhi sơ sinh, non tháng, bệnh nhi suy dinh dưỡng 1,5kg kèm viêm phổi nặng…

Mô hình "Gây mê an toàn, không nước mắt" là nét đổi mới của khoa Phẫu thuật Gây mê- Hồi sức Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí. Qua đó mang lại nụ cười, niềm tin của các bệnh nhi và gia đình vào đội ngũ thầy thuốc bệnh viện. Đó là niềm vui và hạnh phúc của các nhân viên khoa Phẫu thuật Gây mê - Hồi sức nói riêng và của toàn thể bệnh viện nói chung trong mục tiêu "Tất cả vì sự hài lòng người bệnh".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục