Sẽ có 273.000 liều vaccine phòng dại trong tháng 5/2018

Lê Thạch, icon
06:59 ngày 09/05/2018

VTV.vn - Trước tình hình khan hiếm vaccine phòng dại tại một số địa phương trên cả nước, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có công văn về việc đảm bảo cung ứng vaccine phòng dại.

Hình minh họa

Hiện tại, có 5 vaccine phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu danh và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam bao gồm: Verorab (sản xuất tại Pháp), Abhayrab, Indirab, Speeda, Rabipur (sản xuất tại Ấn Độ).

Khả năng đảm bảo cung ứng vaccine phòng dại

Theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu, khả năng cung ứng vaccine phòng dại trong năm 2018 là đủ để cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.

Cụ thể: số lượng vaccine phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm (theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng tại Công văn số 149/DP-VX đề ngày 23/02/2018) khoảng 1,3 triệu liều/năm. Lượng nhập khẩu vaccine phòng dại năm 2017 khoảng 1,467 triệu liều.

Kế hoạch cung ứng trong năm 2018 (dự kiến) của các công ty: vaccine Verorab khoảng 493.000 liều, vaccine Ahayrab khoảng 1,4 triệu liều, vaccine Indirab khoảng 300.000 liều, vaccine Speeda đã nhập 2.200 liều trong năm 2018 và nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu thì cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô hàng tiếp theo.

Như vậy, theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, sản xuất thì khả năng cung ứng vaccine phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam chỉ tính riển Verorab, Ahayrab và Indirab là 2,193 triệu liều (coa gấp 149% so với tổng số lượng vaccine phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 169% so với sô lượng vaccine phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm).

Do đặc thù của vaccine phòng dại là nhu cầu sử dụng phụ thuộc vào số lượng người dân bị súc vật cắn. Vì vậy, việc tiên lượng, dự báo nhu cầu vaccine phòng dại là tương đối khó khăn hơn so với các loại vaccine khác. Trong khi đó, hợp đồng ký giữa các cơ sở cung ứng vaccine với các đơn vị tiêm chủng đa phần là hợp đồng nguyên tắc, không có số lượng cụ thể nên khó khăn cho các cơ sở cung ứng trong việc cung cấp vaccine, nhất là khi nhu cầu tăng.

Về phía người dân cũng như các cơ sở tiêm chủng thường có xu hướng ưu tiên sử dụng, thậm chí chỉ sử dụng vaccine Verorab do vắc xin này được sản xuất tại Pháp, trong khi trên thị trường có nhiều loại vắc xin khác đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ dữ liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả (Ahayrab, Indirab, Speeda...). Thực tế, vừa qua một số địa phương thiếu vì dự trù một loại vắc xin (Verorab), nên khi vaccine này bị tạm gián đoạn nguồn cung mới chuyển sang đặt hàng vaccine khác, nên nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không kịp cung ứng kịp thời, đủ vaccine dại cho các đơn vị này.

Đặc biệt, nhu cầu vaccine phòng dại có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, nhất là trong mùa hè.

Do đó, trong tháng 5/2018, Cục Dược khẳng định sẽ có 273.000 liều vaccine phòng bệnh dại, cao hơn gấp đôi số lượng nhập khẩu trung bình trong một tháng năm 2017: 122.250 liều/tháng/năm 2017.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục