Sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

Thu Giang, icon
07:00 ngày 11/07/2013

Một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh sốt xuất huyết trở nên khó kiểm soát là do ý thức chủ quan của người dân. 

Tiếp tục có thêm một bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Phú Yên mới đây đã cho thấy diễn biến của căn bệnh ngày một khó kiểm soát.

Từ đầu năm đến nay, số ca bệnh sốt xuất huyết đều tăng cao tại các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Tại Khoa Nội, Khoa Nhi, bệnh viện huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.

Hiện tại, số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú tại viện gần 20 ca, cao gấp nhiều lần số giường bệnh điều trị tại khoa. Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện huyện Sông Hinh tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết, con số này tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

‘ Rất đông các bệnh nhi bị sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện Sản nhi Phú Yên. (Ảnh: Dân trí)

Sốt xuất huyết thường được xem là bệnh của vùng đồng bằng, nhưng năm nay lại gia tăng tại địa bàn miền núi. Không chỉ huyện Sông Hinh, bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh tại 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên - điều hiếm khi xảy ra trong những năm trước.

Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay có 1.137 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 281% so với cùng kỳ năm ngoái. Điểm khác biệt của tình hình dịch bệnh so với mọi năm là từ đầu năm đến nay, các ca bệnh xuất hiện dai dẳng, không tập trung thành đợt. Thời tiết mưa nắng xen kẽ cũng khiến tình hình dịch bệnh trên địa bàn khó kiểm soát.

Ông Đoàn Hùng Ánh, Phó Giám đốc phụ trách, Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, Phú Yên cho biết: “Có 4 tuýp gây bệnh sốt xuất huyết thường gặp, nhưng người dân chủ quan cứ nghĩ bị sốt xuất huyết một lần là không sốt nữa, tuy nhiên điều này hoàn toàn không đúng. Loại muỗi mang bệnh sốt xuất huyết thường đốt ban ngày, rạng sáng và xế chiều, do vậy người dân cần nâng cao cảnh giác với căn bệnh này”.

Sốt xuất huyết do muỗi vằn gây ra, muỗi từ những chỗ nước tù đọng sinh ra là điều hầu như ai cũng biết. Vậy nhưng, mỗi lần ngành y tế đi kiểm tra xử lý môi trường, lại sẽ phát hiện ra những lu nước ứ đọng, lăng quăng… tại các hộ gia đình.

Việc phun hóa chất chỉ giải quyết tạm thời nguồn muỗi mang mầm bệnh trong môi trường. Xử lý tận gốc là phải đảm bảo không có nguồn nước đọng cho muỗi đẻ trứng. Để làm được điều này, không thể chỉ dựa vào ngành y tế mà bản thân mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Cùng chuyên mục