Suy tĩnh mạch mạn tính - bệnh không đơn giản

Báo điện tử Hải Phòng, icon
03:24 ngày 01/08/2016

VTV.vn - BS Nguyễn Tuấn Hải, Phó trưởng khoa Mạch máu, Viện tim mạch quốc gia Việt Nam trao đổi về bệnh suy tĩnh mạch mạn tính.

Suy tĩnh mạch mạn tính là tình trạng tĩnh mạch chi dưới bao gồm cả hệ thống tĩnh mạch sâu, nằm trong các khối cơ và hệ thống tĩnh mạch nông nằm ngay dưới da bị giãn, hệ thống van tĩnh mạch bị giảm chức năng. Ths.BS Nguyễn Tuấn Hải, Phó trưởng khoa Mạch máu, Viện tim mạch quốc gia Việt Nam trao đổi về vấn đề này.

Đề nghị BS cho biết về các nguyên nhân gây bệnh này?

Nguyên nhân gây suy tĩnh mạch mạn tính, là mọi yếu tố thuận lợi làm tăng áp lực lên hệ tĩnh mạch, như:

- Tuổi cao

- Thừa cân, béo phì

- Đứng lâu bất động, ngồi nhiều

- Giới nữ (có thai, thay đổi về nội tiết tố làm suy yếu thành tĩnh mạch…)

- Di truyền …

- Ngoài ra, lối sống góp phần làm tăng nguy cơ bị suy tĩnh mạch, hoặc làm nặng thêm bệnh, đó là: Lối sống tĩnh tại: hạn chế vận động (chủ động do lười vận động, thích ngồi một chỗ; bị động do làm những nghề nghiệp đòi hỏi đứng hoặc ngồi nhiều như công nhân dây chuyền, giáo viên, nhân viên văn phòng)

- Thói quen ăn uống dễ gây thừa cân béo phì, ít hoa quả tươi, vitamin là những thứ tốt cho thành mạch, tránh táo bón.

BS có khuyến cáo gì với người bệnh về các biện pháp phòng, chống bệnh này?

- Về phương pháp điều trị: Với người bệnh bị suy tĩnh mạch, nếu có các triệu chứng tê nặng chân, phù hay chuột rút, có thể bắt đầu điều trị nội khoa với:

- Thuốc trợ tĩnh mạch: như Daflon

- Tất hoặc băng chun áp lực y khoa, có các mức áp lực khác nhau tùy vào chỉ định của bác sĩ.

Với người bệnh có chỉ định điều trị triệt để suy tĩnh mạch, thì có các phương pháp sau:

- Ngoại khoa: Lấy bỏ tĩnh mạch bị suy. Đây là phương pháp lâu đời nhất, nhưng ngày càng ít áp dụng do phải nằm viện lâu, để lại nhiều sẹo, tái phát cao.

- Tiêm xơ gây tắc tĩnh mạch bệnh lý: Là phương pháp rẻ tiền, tuy nhiên, về lâu dài, có khả năng tái phát cao.

- Can thiệp bằng sóng cao tần hoặc laser, hoặc bằng một số phương pháp hiện đại khác: Nguyên lý là gây tắc tĩnh mạch bệnh lý bằng các phản ứng hóa – nhiệt – cơ học không thể đảo ngược. Do vậy tỷ lệ tái phát hầu như là không có. Nhược điểm là giá thành cao (ngay cả ở châu Âu cũng chưa được hưởng bảo hiểm) và đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề thành thạo.

Về phòng bệnh: Bất cứ ai trong chúng ta, không cứ là người có nguy cơ cao bị suy tĩnh mạch, đều nên tránh tình trạng tăng áp lực mạn tính lên hệ tĩnh mạch bằng cách:

- Năng vận động, tập thể dục, tránh lối sống tĩnh tại

- Chế độ ăn lành mạnh, giàu vitamin, hoa quả tươi, tránh táo bón (dễ dẫn đến trĩ, trĩ cũng được coi là một biểu hiện của suy tĩnh mạch). Tránh thức ăn giàu cholesterol để không thừa cân, béo phì.

- Phụ nữ không nên sinh quá nhiều con. Trong quá trình mang thai vẫn nên đi bộ, tập thể dục … (trừ khi bác sĩ không cho phép, do ảnh hưởng đến thai nhi). Sau sinh nên dậy sớm, tránh nằm bất động. Không nên thường xuyên đi giày cao gót trên 5 cm.

Đối với những người có nguy cơ cao bị suy tĩnh mạch như giáo viên, những người phải đứng hoặc ngồi bất động trong thời gian dài, hoặc những người đang bị suy tĩnh mạch cần:

- Tránh đứng lâu bất động trong thời gian dài: ngồi 1- 2 tiếng lại đứng dậy đi lại, nếu phải đứng bất động thì đứng 30 phút lại giậm chân tại chỗ vài chục lần…

- Tăng cường các môn thể thao vận động như bơi, đi bộ; và các bài tập chuyên sâu để tăng cường hồi lưu tĩnh mạch.

- Khi ngủ nên gác cao chân, có thể kê chân giường cao 5 – 10 cm.

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao như xông hơi, tắm nắng.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

Cùng chuyên mục