Tắc động mạch phổi cấp: Có thể chẩn đoán lâm sàng

Tuấn Bảo, icon
08:49 ngày 31/03/2018

VTV.vn - Tắc động mạch phổi cấp là một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân sau mổ. Trước đây, biến chứng này thường khó chẩn đoán và cứu chữa kịp thời, chỉ khi mổ tử thi mới biết.

Hiện nay, với nền y học tiên tiến, câu chuyện này sẽ dần trở nên hiếm thấy, biến chứng tắc động mạch phổi cấp hoàn toàn có thể chẩn đoán lâm sàng.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Ch. (59 tuổi, trú tại Nghệ An) bị khó thở, tụt huyết áp sau mổ nối gân Achille chân phải. Bệnh nhân được chẩn đoán tắc động mạch phổi cấp có rối loạn huyết động, được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thăm khám và điều trị.

Lúc nhập viện, bệnh nhân thở qua nội khí quản với tần số thở rất nhanh 36 lần/phút, mạch 115 lần/phút, huyết áp 110/70 mmHg (đang dùng liều noradrenalin 0,9 mcg/kg/ph). Tiến hành đánh giá bệnh nhân qua siêu âm tim tại giường nhận thấy bệnh nhân có chức năng tâm thu thất trái bình thường nhưng có rối loạn chức năng thất phải nặng: giãn thất phải (đường kính thất phải 30mm, tỉ lệ thất phải/thất trái ~ 1), áp lực động mạch phổi 52mmHg và có dấu hiệu McConnell (vách liên thất di động nghịch thường thì tâm trương).

Tắc động mạch phổi cấp: Có thể chẩn đoán lâm sàng - Ảnh 1.

Hình ảnh tắc động mạch phổi trên phim chụp cắt lớp vi tính

Đây là một trường hợp tắc động mạch phổi huyết động không ổn định có chỉ định tái tưới máu phổi bằng thuốc tiêu sợi huyết, tuy nhiên vì nguy cơ chảy máu cao nên cần đánh giá các chống chỉ định một cách kĩ càng. Bệnh nhân sau mổ 2 tháng, có đặt catheter tĩnh mạch trung tâm tại vị trí động mạch cảnh trong phải.

Nhận định các chống chỉ định này là tương đối, xét nghiệm đông máu và tiểu cầu của bệnh nhân bình thường, các bác sĩ tiến hành tiêu sợi huyết bằng alteplase liều thấp 0,6 mg/kg truyền tĩnh mạch trong 15 phút. Trong và sau quá trình tiêu sợi huyết bệnh nhân không có biểu hiện chảy máu trên lâm sàng.

Tắc động mạch phổi cấp: Có thể chẩn đoán lâm sàng - Ảnh 2.

Bệnh nhân đã ổn định sau 1 tuần điều trị

Sau đó bệnh nhân được tiếp tục dùng heparin không phân đoạn truyền liên tục duy trì aPTT bệnh/chứng 1,5 – 2,3. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân ổn định, thoát sốc, rút được ống nội khí quản. Hiện tại các chức năng sống, chức năng gan thận của bệnh nhân hoàn toàn bình thường, bệnh nhân đã được dùng thuốc chống đông đường uống trước khi ra viện.

Theo TS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: tắc động mạch phổi cấp huyết động không ổn định có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tái tưới máu phổi sớm. Tiêu sợi huyết là phương pháp làm tan cục máu đông trong động mạch phổi bằng thuốc giúp bệnh nhân nhanh chóng cải thiện huyết động và thoát khỏi tình trạng nguy hiểm. Trong những năm gần đây, phác đồ dùng thuốc tiêu sợi huyết liều thấp được sử dụng tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho thấy an toàn, không bệnh nhân nào bị biến chứng chảy máu, hiện nay đây đã là một kỹ thuật thường quy thực hiện tại bệnh viện.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục