Tan máu bẩm sinh: Căn bệnh điều trị suốt đời

Linh Chi, icon
08:00 ngày 09/05/2018

VTV.vn - Tan máu bẩm sinh - Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền, căn bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới.

Hình minh họa (Ảnh: Tanmaubamsinhthalassemia)

Đây là bệnh di truyền lặn trên nhiễm sắc thể thường, người bình thường có 2 gen khỏe mạnh, người bị bệnh có 2 gen bệnh, người mang gen có 1 gen bệnh và 1 gen khỏe mạnh.

Cơ chế gây bệnh là do chất lượng hồng cầu suy giảm làm hồng cầu dễ bị vỡ dẫn đến thiếu máu mạn tính. Nếu người bệnh không được điều trị sớm, đầy đủ sẽ xuất hiện nhiều biến chứng do thiếu mái và thừa sắt gây ra trên tất cả các cơ quan. Đồng thời, làm thay đổi diên mạo người bệnh như thể trạng thấp bé, trán dô, mũi tẹt, hàm răng hô, suy tim, suy gan, suy nội tiết...

Bệnh có 5 mức độ biểu hiện tùy theo số lượng và kiểu đột biến gen:

- Mức độ rất nặng có biểu hiện phù thai từ khi còn trong bụng mẹ.

- Mực độ nặng có biểu hiện thiếu máu nặng khi trẻ chưa đến 2 tuổi.

- Mức độ trung bình thường có biểu hiện thiếu máu rõ khi trẻ 4-6 tuổi.

- Mức độ nhẹ, triệu chứng máu thường rất kín đáo, người bệnh thường chỉ được phát hiện khi có kèm theo các bệnh lý khác như nhiễm trùng, phẫu thuật, cso thai...

- Thể ẩn không có biểu hiện gì khác biệt, không thiếu máu (thậm chí có thể hiến máu được).

Nguyên tắc điều trị bệnh: với bệnh nhân mức độ nặng và trung bình là truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt cuộc đời.

Với thalassemia, nguyên tắc phòng bệnh là phòng không sinh ra trẻ bị bệnh thalassemia. Hai người cùng mang gen bệnh thalassemia thì không nên kết hôn với nhau. Trong trường hợp hai người cùng mang gen bệnh kết hôn với nhau thì cần phải chẩn đoán trước sinh cho mỗi lần sinh con.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục