Thời điểm nào cho trẻ tập ăn thô tốt nhất?

Ban Khoa giáo, icon
07:05 ngày 23/08/2017

VTV.vn - Việc tập dần cho trẻ ăn đồ thô là bước tiến quan trọng giúp trẻ làm quen với thức ăn cũng như hoàn thiện trong quá trình bổ sung dinh dưỡng sau này.

Ảnh minh họa.

Khi trẻ 6 tháng tuổi, lượng dinh dưỡng mà sữa mẹ mang lại chỉ khoảng 150kcal/ngày, trong khi lượng dinh dưỡng mà bé cần trong giai đoạn này là 600kcal/ngày. Cơ thể bé đã sẵn sàng đón nhận những thực phẩm khác ngoài sữa mẹ để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo với nhiều hoạt động và cần nhiều năng lượng hơn.

Lúc này, trẻ thường có phản xạ nhai một cách tự nhiên. Đây là một kỹ năng mà bất cứ đứa trẻ nào cũng phải học trong quá trình học hỏi, phát triển của mình. Vì thế, nếu mẹ vẫn tiếp tục cho bé ăn đồ xay nhuyễn vào những tháng sau đó thì bé sẽ không được học nhai ngay từ giai đoạn ăn dặm. Bé mất đi cơ hội trải nghiệm cảm giác cứng, dai, giòn, mềm… của từng loại thức ăn. Từ đó, trẻ hạn chế khả năng nhận biết và hình thành phản xạ của trẻ, khiến trẻ sẽ phát triển không toàn diện so với bạn bè cùng trang lứa.

TS. BS. Trịnh Bảo Ngọc, Trưởng phòng khám Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết, từ 8-9 tháng đến 2 – 2,5 tuổi là quá trình khoảng một năm mà các bà mẹ tập cho trẻ ăn thô dần dần từng bước, tùy theo sở thích, thói quen của bé cũng như số lượng răng bé đã mọc.

"Mẹ cho bé ăn thô quá sớm hoặc quá muộn đều không phù hợp với sinh lý của bé. Bởi, nếu cho bé ăn thô quá sớm thì bé không biết nhai, sẽ tăng thêm gánh nặng cho dạ dày. Ngược lại, nếu ăn thô muộn quá thì bộ nhai của bé không phát triển" - BS Ngọc lưu ý.

Cũng chia sẻ về giai đoạn tập cho trẻ ăn thô, Thầy thuốc ưu tú, ThS. BS. Doãn Thị Tường Vy, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, 6-8 tháng là giai đoạn cho bé ăn bổ sung ninh nhừ, dây mịn để bé quen với thức ăn và công cụ ăn uống như ăn bằng thìa. Sau đó, mẹ dần chuyển sang cho bé ăn thô dần như cháo ninh nhưng còn hạt... Bởi, từ 6-8 tháng, bé bắt đầu có phản xạ nhai. Bé có thời gian lưu trữ thức ăn ở miệng lâu hơn, kích thích tiết tuyến nước bọt. Ngay từ miệng, thức ăn đã được ngấm các men tiêu hóa, khi vào dạ dày sẽ tiết dịch vị, tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa tốt hơn. Từ đó, bé sẽ chóng đói hơn và ăn ngon miệng hơn.

Để theo dõi tư vấn chi tiết từ hai chuyên gia y tế, mời quý vị theo dõi chương trình Sống khỏe mỗi ngày qua video sau đây:

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục