Thời điểm “vàng” mầm bệnh ồ ạt tấn công trẻ mà các mẹ nên biết

Tuấn Bảo, icon
07:35 ngày 16/03/2018

VTV.vn - Tháng 3, thời tiết ẩm, nồm là điều kiện lý tưởng để các dịch bệnh bùng phát tấn công trẻ. Các bà mẹ nên lưu ý về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt để phòng ngừa bệnh cho trẻ.

Hình minh họa

Các loại bệnh phổ biến thường tấn công trẻ trong thời điểm này gồm:

Viêm giác mạc

Virus gây viêm giác mạc xuất hiện nhiều nhất vào tháng 3. Khi bị viêm giác mạc, trẻ sẽ cảm thấy sợ ánh sáng, thường xuyên chảy nước mắt hay bị đau và mẩn đỏ. Ngoài ra, trong mắt trẻ xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti mọc theo từng cụm. Viêm giác mạc là bệnh nguy hiểm. Vậy nên, trong tháng 3 này, các mẹ hãy chú ý cho con đeo kính chắn bụi và tránh tới những nơi đông người.

Thủy đậu

Tháng 3 cũng là thời điểm thủy đậu xuất hiện nhiều do virus gây bệnh sống trong thời tiết ẩm. Trẻ chưa tiêm phòng văcxin thủy đậu, chưa được miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh này rất cao. Bản thân bệnh là lành tính, nhưng nếu để trẻ gãi nhiều do ngứa, những mụn nhỏ lan ra, bị vỡ để lại sẹo lõm khắp người, nhất là trên mặt bé. Nguy hiểm hơn, từ dạng thủy đậu lành tính, virus gây bệnh có thể chạy vào máu gây viêm màng não. Một số khác lại gây viêm mạc thần kinh zona, cơ thể trẻ sẽ mọc những mụn nhỏ gây đau đớn ở liên sườn.

Do đó, để phòng biến chứng, ngay khi trẻ lên những nốt mụn đầu tiên, phải giữ gìn để không làm vỡ mụn. Nếu một vài mụn đầu tiên vỡ có thể dùng oxy già rửa vết loét. Bên cạnh đó, bổ sung nước tránh tình trạng trẻ mất nước do vết loét quá nhiều. Khi trầy xước lan rộng, mẹ cần phải đưa trẻ đến viện ngay.

Sốt phát ban

Sốt phát ban do vi-rút Rubella là bệnh phổ biến ở trẻ. Bệnh dễ lây lan, chủ yếu lây qua đường hô hấp. Ban đầu, bệnh có những biểu hiện sốt nhẹ kèm theo mệt mỏi, nhức đầu, đau họng, sổ mũi, đôi khi có đau mắt nhẹ. Sau đó, nổi hạch ở sau tai và gáy, xuất hiện các đốm ban màu hồng dát sần trên da. Trong những ngày đầu, các đốm ban mọc ở mặt rồi lan xuống cổ và toàn thân.

Phát ban ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến những biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não. Việc điều trị cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sỹ để tránh những biến chứng đáng tiếc.

Các bệnh dị ứng thời tiết

Thời tiết tháng 3 khiến trẻ dễ mắc các bệnh dị ứng, nổi mề đay, mụn ngoài da, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mắt.

Nổi mề đay: Xuất hiện các vùng đỏ, có cảm giác ngứa ngáy, nóng tại các vị trí da khô trên tứ chi. Nguyên nhân của bệnh là do cơ thể tiếp xúc với loại vật chất gây dị ứng nào đó cộng thêm thời tiết nóng lạnh thất thường.

Mẩn, mụn ngoài da: Cơ thể dễ dị ứng với các tia tử ngoại hơn nên khiến các tế bào da dễ bị tổn thương, làm xuất hiện các nốt mẩn, mụn.

Viêm mũi dị ứng: Không khí lạnh, ẩm ướt, mưa phùn… cùng rất nhiều loại phấn hoa phát tán trong không khí chính là "cơn ác mộng" của "cơ địa dị ứng". Khi vô tình hít phải, phấn hoa gây ngứa mũi, hắt xì hơi liên tục, chảy nước mũi, nghẹt mũi khó chịu.

Để phòng bệnh, trẻ cần tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bằng cách đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữa ấm cơ thể, đặc biệt là vùng mặt, cổ; vệ sinh mũi thường xuyên; hạn chế đến các vườn hoa và nên tránh sử dụng các thức ăn hoặc thuốc đã gây dị ứng.

Với các nguy cơ đe dọa sức khỏe nói trên, việc theo dõi trẻ thường xuyên là cần thiết. Cha mẹ nên nắm vững những kiến thức về các bệnh cơ bản để kịp thời xử lý khi trẻ mắc các bệnh dễ gặp trong tháng 3 này. Đặc biệt, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng, chăm sóc để tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa bệnh tật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục